vảng, Điền giang tay bọc lấy tôi, nó giễu cợt, "Anh kia, lượm con mắt lên,
anh nhìn vậy, chị tôi mòn còn gì". Đám người cụt ngòi, tẻn tò dạt ra. Ngay
cả khi Điền bỏ đi cùng chị, nó cũng để lại cho tôi một món quà lớn.
Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ trống của thằng
Điền nhắc cha nên quý những gì còn lại. Bắt đầu từ một đêm, cha đứng
đằng xa, bảo, "Nương, ngủ sớm đi !", tôi nghe mắt mình cay, ngợp như ai
đó tọng một đám khói vào mặt. Mắc cười, câu nói chẳng ý nghĩa gì lớn lao,
những người cha người mẹ nói với con họ hàng ngàn lần, đến phát bực mà
tôi lại xốn xang.
Tôi ước gì có thể chếnh choáng thật lâu, nhưng nó mau chóng tắt rụi vì một
ý nghĩ kỳ lạ. Dường như không còn kịp nữa, để hàn gắn sự đổ nát, để sắp
xếp những mảnh vỡ lạo xạo trong lòng.
Chúng tôi tập nhìn nhau, điều đó khó khăn biết bao. Nhất là với cha, tôi
cảm nhận được sự cố gắng lớn. Mỗi lần ngó về phía tôi, ông phải trợn trạo
nuốt nghẹn những cảm xúc, vì tôi giống má khủng khiếp.
Không cần gương, tôi thấy hình bóng má trong mắt người đối diện. Trước
ánh nhìn của cha, tôi cảm giác mình soi xuống dòng nước đêm. Với những
người đàn ông khác, tôi bị rực lên như đứng trước mặt trời. Bằng mắt, họ
sờ soạng khắp người tôi. Ánh mắt giống bàn tay của ông xẩm mù mà tôi
từng gặp, đụng chỗ nào cũng dừng lại, vuốt vuốt bóp bóp (chắc là cho dễ
hình dung), rồi lần dò tới một chỗ khác, rờ nắn mê miết. Và tôi đón nhận
một cách hằn học, cục cằn.
Hôm bán bầy vịt, cha tôi sắm một chiếc nhẫn vàng, ông đẩy nó về phía tôi,
ngượng ngập như sắp chết giấc, "Để dành khi đi lấy chồng...". Tôi sặc ra
một bụm cười, trời ơi, tôi biết lấy ai bây giờ ?
Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những
người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi biết lấy ai trong số đó ? Lấy một người