rau, rửa rau xong dành rửa cá. Con nít ba tuổi đã biết quý nước, mắc lắm
cũng ráng chạy ra vườn đái vô chậu ớt, chậu hành (báo hại cây rụi lá). Ở
đó, có người con trai bảo, “ước làm sao trước lúc má tui chết, bà được tắm
một bữa đã đời”. Câu nói này làm tôi thương anh ta quá chừng. Hôm tôi đi,
anh tần ngần đứng bên hè, hỏi nhỏ “Không biết em có muốn ở lại với… má
tui?!”. Tôi lắc đầu, hai gàu nước ít ỏi của má anh, tôi nỡ nào sẻ nửa ?
Tôi giục cha rời khỏi cái xóm tàn tạ đó. Những cánh đồng chúng tôi qua,
lúa chết khô khi mới trổ bông. Người ta không thể trồng đậu, trồng dưa vì
thiếu nước. Bầy con nít giỡn nhoi trên những con kinh khô trơ lòng.
Chỗ chúng tôi cắm lều cầm vịt, nước đã sắc lại thẫm một màu vàng u ám.
Nhưng chúng tôi chẳng có chỗ nào để đi nữa, từ bờ bên kia của sông Bìm
Bịp là vùng đệm cho những cánh rừng tràm lớn. Mùa này, người ta lấy
nước từ tất cả các dòng sông nhỏ, các con kinh để bơm vào rừng, chống
cháy. Chúng tôi cũng không thể ngược sông Bìm Bịp băng qua vùng Kiên
Hà, ở đó họ kiểm dịch thú y rất gắt gao. Và dịch cúm gia cầm nghe đâu vẫn
còn bùng phát khắp đồng bằng.
Để bầy vịt khỏi bị chôn sống (điều đó đồng nghĩa với việc đứt vốn cho mùa
sau), bọn tôi quyết định vẫn cầm chúng ở đây. Chúng được nuôi trong sự
mỏi mòn. Ngày ngày, tôi lùa vịt đi ăn mót những bông lúa khô quắt queo
trên đồng, không có nước chúng bì bạch, chậm rì và chẳng thể đi xa. Trứng
thưa thớt, những quả trứng chúng đẻ ra cũng chai ngắt, dài nhằng, nhẹ tênh,
vỏ dày sần sượng. Đòi hỏi gì nữa ở những con vịt đã già, đã đẻ quần quật
suốt ba mùa trước, đã vô vọng vì ngày càng khó tìm lúa và cám trong máng
thức ăn. Ngay cả nước để chúng tắm táp cũng chua lét vì phèn.
Mà, mùa mưa vẫn còn xa lắm.
Ngày ngày, Điền rủ chị đi giăng lưới, nhắp cá và tát những cái mương cạn.
Cá ăn không hết, chị đem vô xóm bán và hãnh diện đưa cho cha vài mươi