Nếu nói thời gian trên đất liền rất ngắn, trong chớp mắt đã hết một ngày
thì lênh đênh trên biển lại là những chuỗi ngày dài vô vị. Nếu như lúc ban
đầu, những người trên thuyền còn vui vẻ ca hát, cùng ngồi đấu láo sôi nổi
thì nay, người thì đứng một góc ngắm trời, người thì ngồi ôm sách mà đọc
giết thời gian. Thật, cuộc sống lênh đênh trên sóng nước đại dương này
chẳng mấy thú vị như trong sách người ta hay tả. Điều được đoàn người
chờ mong nhất có lẽ là những lúc thuyền ghé lại những thương cảng trên bờ
dọc theo Ấn Độ Dương.
Bốn tháng thấm thoát trôi qua trong buồn tẻ. Khi ngọn hải đăng trên
Mũi Hảo Vọng xuất hiện xa xa phía chân trời cũng chính là lúc mây đen
bắt đầu vần vũ. Ánh mặt trời buổi sáng bắt đầu bị lu mờ, trời tối dần lại.
Từng cơn gió lớn thổi mạnh làm những cánh buồm căng ra như muốn rách.
Những giọt nước mưa bắt đầu nhỏ xuống. Mặt biển sôi ầm vang với những
con sóng bạc đầu cứ cao dần theo từng đợt gió lớn.
Bão. Đó chính là điều duy nhất trong đầu mọi người lúc này. Bốn tháng
qua trong sóng nước yên ả đã ru ngủ mọi người. Họ tưởng chừng đã quên
mất những cơn giận của biển khơi. Tâm tình của mỗi người lúc này cũng
rất khác nhau. Với những người đầu tiên đi trên biển thì họ trông chờ
những gì sắp đến bằng tâm trạng háo hức, họ muốn một lần được biết mùi
vị của bão biển. Nhưng đối với những người dày dặn sóng gió như những
thủy thủ người Anh Cát Lợi thì đây là một cơn ác mộng. Họ hiểu những
con sóng trông như vô hại và đẹp nên thơ kia sẵn sàng vùi chôn đoàn
thuyền dưới đáy biển sâu một cách không thương tiếc.
“Hạ tất cả buồm xuống”. Tiếng ra lệnh của tướng quân Mã Kim Đa trên
chiến thuyền “Hy vọng” đã cảnh tỉnh tất cả mọi người. Ông cố thét lớn như
muốn lấn át tiếng gào thét của gió, của sóng. Các chiến thuyền đằng sau
cũng rục rịch hạ buồm. Thần kinh của mọi người dần căng lên như dây đàn.
Bỗng, “Rắc… rầm…” một cột buồm của chiếc thương thuyền đi sau
chót không kịp hạ bị gió thổi, đánh gãy ngang. Giữa bốn bề cuồng phong,