Nói lại một chút. Từ sau ngày đại chiến quân Nguyễn, Toản cùng bề tôi
của mình nhanh chóng bắt tay vào cải cách. Nhờ có trận thắng lớn này,
Toản có một khoảng thời gian dài quý giá để làm những điều mình muốn.
Bắt đầu từ nhu cầu cơ bản nhất, “cái ăn”.
Chính sách khuyến nông, khai hoang được ban ra. Theo đó, mỗi hộ dân
được cấp đất như Nguyễn Thiếp đã nói. Về phần các địa chủ, Toản khuyến
khích họ lấy đất ruộng của mình “cho thuê”, hoa lợi từ việc cho thuê sẽ
không cần nộp thuế, lại nữa, họ còn được miễn thuế đất năm năm.
Phải nói, tốc độ làm việc của Bộ Chính trị nhanh thật. Chỉ với hai tuần
thời gian, một chính sách lớn như thế lại nhanh chóng được hoạch định và
thực thi. Chả bù với cái thế giới trước của cậu. Có lẽ, chính bá quan cũng
cảm nhiễm được nhiệt tình của Toản cùng với câu nói hôm nào “Các khanh
chính là những người anh hùng” nên tỏ ra hăng hái cũng nên. Chưa bao giờ
khí thế làm việc của các quan trong triều lại sục sôi như lúc này.
Sáng hôm sau, Toản một mình cùng tiểu Thái xuất cung. Ý định của cậu
là đến thăm một nhà thờ, làm quen với một Giáo sĩ truyền giáo phương
Tây. Cách nay một tuần, cậu đã sai tiểu Thái tìm mua cho mình hai cuốn
sách: Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày. Mấy cuốn này chỉ
được lưu truyền bán công khai giữa các nhà thờ và những người tin theo
đạo Công giáo lúc đó. Cũng phải nói thêm, biết được tính chất quan trọng
của chữ Quốc ngữ mà các Giáo sĩ lưu truyền lúc đó mà Toản cho bãi bỏ
lệnh cấm đối với đạo Công giáo, ai muốn theo thì theo, thậm chí, có vài vị
quan trong triều cũng chịu lễ Rửa tội.
Với sự thông minh của mình, tiểu Thái chẳng tốn mấy công phu mà tìm
được một căn nhà thờ nhỏ ở Phú Xuân. Cậu thuyết phục vị linh mục ở đó
và mua được hai cuốn sách trên. Hôm nay, chính cậu sẽ là người dẫn đường
cho Toản tìm đến.