Nhật Bản bỏ lại. Nhưng vì phần lớn người Miến Điện có thể bị cướp bóc tất
cả mọi thứ, trừ cái sà-rông họ mặc, thế cho nên thằng cướp ấy mới hỏi xin
Mizushima cái sà-rông.
Trong sứ mạng trinh sát ngụy trang như một người Miến Điện,
Mizushima luôn luôn ra đi không mang võ khí. Vì cái sà-rông mà mất
mạng có lẽ có nghĩa là thất bại trong nhiệm vụ, nên anh đã phải làm theo ý
tên cướp.
Tuy nhiên, điều lạ lùng về tụi cướp này là chúng mang theo rất nhiều lá
chuối. Người Miến Điện không mặc gì trong sà-rông hết, không có ngay cả
quần đùi. Nếu lấy cái sà-rông, anh sẽ đẩy họ vào tình trạng xấu hổ một cách
đáng thương hại; và do thế, vì lòng thương hại đối với các nạn nhân, tụi
cướp đã có vật thay thế sẵn sàng đưa cho họ. Ngôn từ chúng dùng cũng dịu
dàng. Chĩa súng vào anh, chúng nói: "Đổi cho tôi cái sà-rông đang mặc lấy
tàu lá chuối này nhá".
Miến Điện là xứ sùng đạo Phật nơi dân chúng sẵn sàng chấp nhận một
mức sống vô cùng thấp. Họ là một dân tộc dễ thương - không có tính tham
lam, hoặc nói một cách kém tử tế - không có tham vọng. Đó là lý do tại sao
họ đã lẹt đẹt chạy sau cuộc cạnh tranh trong thế giới hiện tại, mặc dù tài
nguyên thiên nhiên của họ rất phong phú, trình độ giáo dục của họ rất cao.
Tại xứ này không bao giờ có phạm nhân tàn ác. Ngay cả tụi cướp mới võ
trang này cũng cư xử theo thói nhã nhặn cổ truyền.
May mắn cho chúng tôi là tên cướp chú ý tới cái sà-rông của Mizushima
chứ không phải cây thụ cầm.
Vì thế chúng tôi bắt gặp Mizushima ở đó, giữa đám cỏ hôi thối, dưới
ánh nắng gay gắt, trần như nhộng trừ tàu lá chuối che thân. Chúng tôi tiến
đến chỗ anh, vỗ vai và nói: "Ngồi như thế này nghĩa là thế nào hở?" Cậu
đang bị con cáo hoặc cái gì thôi miên phải không?"
Mizushima cười chữa thẹn, nhưng liền đối đáp câu chọc ghẹo của chúng
tôi: "Tàu lá chuối làm đồ che thân mát đáo để," anh nói. "các cậu thử mặc
mà xem".