Tôi ước ao đem tim mình bừng chảy,
Tắm trong dòng suối giá băng.»
Trong suốt lúc hát nhiều món ăn cao lương mỹ vị lại được mang ra. Ông
xã trưởng râu bạc phơ, má đỏ ửng, cứ rót rượu mời chúng tôi.
Một anh trong bọn quay lại hỏi ông ta: "Từ đây cụ có thể nhìn thấy núi
Hy Mã Lạp Sơn không?"
Ông xã trưởng mỉm cười, những đường nhăn quanh mắt ông hoắm sâu
lại. Đoạn thẫn thờ lấy hai tay vuốt chòm râu dài, ông trả lời: "Từ đây không
thể nhìn thấy dãy núi ấy. Chẳng có ai trong đám chúng tôi đã nhìn thấy bao
giờ. Chúng tôi chỉ biết dãy núi ấy qua những bài kinh và chuyện cổ tích mà
thôi."
Người Miến Điện đã quen thuộc với kinh kệ và chuyện cổ tích ngay từ
lúc còn nhỏ. Chúng ta thường nghe thấy nhắc đến dãy Hy Mã Lạp Sơn
trong những bài ca, những chuyện kể của họ và nhìn thấy những bức họa
hoặc điêu khắc truyền hình dãy núi thiêng liêng này trong các chùa chiền
của họ. Thảy họ đều nghĩ đến dãy núi hùng vĩ ấy như tổ ấm của linh hồn và
hy vọng khi chết sẽ hành hương về đó. Họ nói rằng những đỉnh núi phủ đầy
tuyết ấy lẩn trong mây óng ánh dưới ánh mặt trời giống như đá hoa cương
hoặc bạc thật dác mỏng - hình ảnh của cái đẹp thiêng liêng. Và tại chân dẫy
núi đó, nghìn năm về trước, Thích Ca Mâu Ni đã ngồi trầm tư nghĩ ra một
đường lối để giải thoát nhân loại, và Ngài đã đắc đạo đạt tới mức giác ngộ
tuyệt đỉnh. Tất cả điều này là một phần tín ngưỡng cơ bản của người Miến
Điện. Lắng nghe với điều ấy trong đầu óc, anh có thể khám phá tính chất
nguyện cầu trong bài ca của họ.
Khi dân làng chấm dứt, chúng tôi bắt đầu hát. Dẫu sao anh em cũng là
"Đại Đội Ca Hát" nổi tiếng mà. Chúng tôi hát đủ thứ bài hát, nhưng bài
được hoan nghênh nhất là bài Trăng Trên Lâu Đài Hoang Tàn. Đó là một
tác phẩm hay thực sự. Dù cho chúng tôi tới đâu hoặc thính giả chất phác
đến thế nào, bài ca ấy vẫn làm người ta say sưa, ngây ngất.
Bị tiếng hát quyến rũ, một đám dân làng đông đảo tụ tập lại lắng nghe.
Người Miến Điện thích hội hè đình đám. Vào dịp thường nhất họ cũng kết
xe hoa rồi ca hát và nhảy múa. Từ khi chúng tôi vào ngôi làng trong núi,