Nhưng vì người Miến Điện không uống rượu nên không bao giờ chúng tôi
thấy họ làm như phương pháp này được sử dụng ở vùng West Indies thuộc
Hòa Lan, nơi nhiều lính Nhật Bản đã học được và tập tính khoái uống rượu
dừa. Trong đại đội chúng tôi có một người thích thứ rượu này nên thường
bí mật cắm ông tre vào những cây dừa trong rừng. Cứ mỗi khi bão nổi lên
là anh ta mở cờ trong bụng. Chẳng cái gì làm anh ta thích cho bằng có dịp
sửa mái nhà.
Hẳn thế cây dừa là một kho tàng vô giá.
Người ta bảo ở châu Âu một nông dân mà có một con bò thì sẽ không
bao giờ bị thiếu thốn.
Tôi nghĩ cây dừa là con bò của miền nhiệt đới vậy.
Một hôm chúng tôi vào rừng chặt một cây dừa hì hục bện thừng, buộc
xén các tầu lá và đục lỗ trên quả dừa. Người lính thích uống rượu ấy cứ
chốc chốc lại lẻn ra một nơi nào đó, rồi trở về mặt đỏ bừng, tươi cười hớn
hở ngân nga một bài hát Miến Điện.
Thường thường cứ khi nào một người nào đó cất tiếng hát là cả bọn anh
em hát theo liền. Nhưng lần này chúng tôi tiếp tục im lặng làm việc,
Mizushima thường hát bài ca Miến Điện ấy khi nào đi thám sát. Đó là dấu
hiệu “an toàn”.
Người lính say sưa ấy chỉ hát một đoạn theo hứng riêng, nhưng đối với
chúng tôi đoạn ấy dường như đem lại cho anh em cảm giác đang nghe một
bài ca xa xưa vậy, cùng tiếng thụ cầm đệm theo vang lên từ lòng khu rừng.
Trong tâm trí, chúng tôi nhìn thấy khu rừng trước mặt mình, những con
chim đang bay lượn ở trên và anh chàng Mizushima mặc sà-rông đang biến
dạng giữa hàng cây.
Đại úy vừa đan những lá dừa lại với nhau để vá một bức vách vừa lầm
bầm một mình: “Đáng lẽ mình đi mới phải”. Ông chau mày và cắn chặt
môi.
Những ai trong đám anh em nghe thấy ông nói đều hiểu ông muốn nói
gì. Ông hối tiếc đã trao một sứ mạng nguy hiểm như thế cho một thuộc cấp
trẻ tuổi của mình.