nguyên trạng của nó, hoặc là cố gắng thay đổi nó theo ý riêng của mình.
Tất cả xoay quanh điểm này.
Người Miến Điện, kể cả những người sống trong các đô thị, vẫn không
mặc Âu phục. Họ mặc bộ áo cổ truyền rộng thùng thình. Ngay cả các chính
khách hoạt động trong chính giới cũng mặc quốc phục, để khỏi bị mất uy
tín tại quốc nội. Đó là bởi vì người Miến Điện, khác người Nhật Bản, vẫn
giữ nguyên nếp sống cũ! Thay vì muốn chế ngự tất cả bằng sức mạnh và trí
thông minh, họ nhằm mục đích giải thoát bằng sự khiêm nhường và lòng
tin tưởng vào một sức mạnh lớn lao hơn chính họ. Vì thế họ nghi ngờ
những người nào mặc Âu phục và thái độ của những người này khác thái
độ của chính họ.
Cuộc tranh luận của chúng tôi thường dịu đi và dẫn tới điểm này, điều
đó là do người ta muốn sống như thế nào - cố gắng chế ngự thiên nhiên
bằng chính những cố gắng của mình hoặc thỏa hiệp với thiên nhiên rồi đắm
mình vào một trật tự sống sâu hơn, rộng hơn. Nhưng trong những thái độ
này, trong những lối sống này thì cái nào tốt đẹp hơn đối với thế giới và
nhân loại? Và chúng ta nên chọn cái nào?
Một anh chê người Miến Điện và nói: "Chưa bao giờ tớ thấy một dân
tộc lại lười biếng, yếu đuối đến thế. Mọi thứ họ có, từ những bóng đèn điện
đến các đoàn xe lửa đều do ngoại quốc chế ra cả cho họ dùng. Họ phải canh
tân, phải trút bỏ những chiếc sà-rông, phải mặc quần tây. Ngay cả những
trường học ở đây cũng chỉ để diễn kịch hoặc ca hát; chẳng có lấy một
trường thương mại hoặc kỹ thuật nào. Họ nói trình độ giáo dục của họ cao.
Cái đó là so sánh với những xứ khác ở Đông Nam Á - tất cả những gì nền
giáo dục của họ nhằm tới là tu sĩ dậy tụng kinh trong các chùa chiền. Cứ đà
này, quốc gia sẽ đi đến chỗ suy sụp. Thảo nào xứ này lả một thuộc địa của
tụi Anh."
Có anh phản đối, bảo rằng thay sà-rông bằng quần tây không nhất thiết
mang lại hạnh phúc. "Nhìn Nhật Bản mà xem!" Anh ấy nói: "Và chỉ Nhật
Bản thôi - toàn thể thế giới đang lộn xộn. Khi người ta trở nên hợm hĩnh và
cố đặt ý chí của mình lên mọi thứ, người ta sẽ thất bại. Cho dù có đạt được
một vài thành công, song rút cuộc chẳng ra gì."