"Đúng rồi." một người khác vừa nói vừa cầm con chim để lên vai, rồi
ngắm nghía rất kỹ càng. "Ông ấy để nó như thế này..."
Điều này lại khơi mào cho bà lão nói chuyện thật nhanh.
"Ồ, ông cũng nhìn thấy vị sư ấy hả? Con này là em con chim của vị sư
ấy! Ông hàng xóm gần nhà tôi bắt được cả hai con. Thấy vẹt đang làm tổ
trên một cây, ông ấy bỏ hết cả ngày để chặt cái cây ấy và bắt được năm con.
Ông ấy khoái chí lắm nên bảo rằng chúng thật đáng giá ba ngày công và từ
hôm ấy ông ấy vẫn nghỉ không đi làm. Nhưng đúng lúc ông ấy bắt được
chim thì vị tu sĩ đi ngang qua hỏi thăm đường, vì thế ông hàng xóm nhà tôi
vái xá và biếu người con chim xanh nhất. Từ đó vị tu sĩ đi quanh quẩn đâu
cũng mang theo con vẹt ở trên vai. Con này thì hơi xanh, nhưng không đẹp
sao?"
Đại úy cũng đang lắng nghe; khi biết con chim này có liên hệ với con
chim của ông sư thì ông cảm động quá nên đổi cái hộp thuốc lá cho bà lão
mà lấy con chim.
Từ đó con vẹt trở thành con vật được cả đại đội cưng yêu, và ai cũng
dạy nó nói vài ba tiếng.
Nó học nhanh lắm. Đúng như bà lão nói, nó học nói tiếng Miến Điện và
tiếng Nhật Bản khá như nhau; nó cho mình một cảm giác là lạ khi nghe nó
nói. Một anh cố hết sức dạy nó hát nhưng không kết quả.
Cũng ngày hôm đó bà lão kể cho chúng tôi nghe một tin đồn về một
toán tù binh Nhật Bản đã được áp giải từ nội địa tới đây. Nghe thấy nói đại
đội này tử thủ trong một pháo đài trong một ngọn núi hiểm trở và nghe đâu
đại đội bị tổn thất nặng nề - hầu hết những người sống sót đều bị thương.
Trông họ thật đáng thương. Những người này đang được điều dưỡng tại
một bệnh viện Anh ở Mudon, nhưng không phải tất cả đều hồi sinh. Những
người nào đã chết rồi thì được chôn trong nghĩa trang bệnh viện và dân
thành phố nói trong đám ấy có vài thanh niên trẻ trông đến thương tâm.
Khi nghe thấy tin này chúng tôi đều nhìn đại úy. Chỉ có vài đơn vị còn
tiếp tục chiến đấu sau khi chiến tranh chấm dứt, vì thế người mà bà lão cho
chúng tôi hay tin xem ra giông giống, người ở đỉnh núi hình tam giác ấy.