Dầu sao, đây cũng là một điều gợi ý khó hiểu, nên chúng tôi thức suốt
đêm đó đế bàn luận.
Có người cho biết đại úy là một nhạc sĩ tốt nghiệp trường âm nhạc. Vì
thế dù chỉ mới thoáng nghe một vài nốt ông phải có đủ khả năng nói đó có
phải là điệu nhạc người Miến Điện thường chơi không. Anh em có thể tin
tưởng vào tai ông. Nhưng nếu đó là bản nhạc chính Mizushima soạn thì
thằng bé ấy đã học được ở đâu? Ai dạy nó? Ước gì chúng mình nắm được
thằng bé và hỏi nó thì có lẽ chúng mình có thể theo sát mà tìm ra manh mối
về Mizushima.
Rất có thể Mizushima đã dạy một người nào đó bản nhạc ấy trước khi
anh ấy chết. Cũng giống như người chiến binh thổi sáo trong một truyện cổ
tích của chúng ta, hẳn người ấy đã muốn truyền những bí mật về nghệ thuật
của mình trước khi nhắm mắt ở ngoài mặt trận. Ước gì chúng mình được tự
do, thì chúng mình sẽ đi ra ngoài tìm thằng bé và hỏi nó xem Mizushima đã
chết ra sao.
Câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc một trở nên gay cấn hơn - nhưng rồi
nó đổi chiều bất chợt.
Liệu có thực anh ấy có thì giờ dạy ai bản nhạc anh ấy soạn không? Khi
Mizushima đi tới đỉnh núi hình tam giác ấy mặt trận đang sôi động. Vừa
khi tới, anh ấy đã phải lao mình chạy tới chạy lui trong giữa làn đạn như lời
những người lính bị thương kể lại. Trong trường hợp đó, anh ấy chỉ có thể
dạy bản nhạc ấy sau khi đại đội kia đã đầu hàng. Điều đó có nghĩa là
Mizushima còn sống sau trận đánh, anh ấy hãy còn sống...
Đến lúc này tất cả anh em đều nôn nóng.
Phải, sau khi suy đi tính lại, chúng tôi thấy điều khả dĩ hình như rất mơ
hồ. Vấn đề hoàn toàn là do ở việc thằng bé ấy có chơi bản nhạc chính
Mizushima soạn ra hay không - nhưng làm sao chúng tôi có thể biết chắc
được? Đại úy coi Mizushima như chính em trai ông, và nhất là, cảm thấy
trách nhiệm vì đã sai anh ấy tới chỗ chết. Đó là lý do tại sao ông hãy còn
bám vào hy vọng, ngay cả niềm hy vọng mong manh nhất, cho rằng
Mizushima hãy còn sống.