sao mà lấy ra được. Cái vật nhũn nhũn, dính dính ấy bám chặt vào là mình
không thể dứt ra dù mình bấu hoặc bóp chặt nó đến thế nào. Mới chạm tới
là nó bám ngay vào ngón tay mình rồi.
Cuối cùng “ông sư” ấy giựt được một con vắt ra và miết nó vào thân cây
bên cạnh.
“Nhưng anh làm thế nào để sống được?” Đại úy hỏi.
“Để sống?” Anh ta lại cười. “Ở Miến Điện chừng nào mình là tu sĩ thì
khỏi phải bận tâm đến vấn đề ăn uống; dân này ngoan đạo lắm, họ cho
mình nhiều hơn số mình có thể ăn hết. Nếu chỉ mới thử thôi em sẽ chẳng
cần phải đi quanh quẩn trông giống một thằng ăn mày như thế này.”
Theo người này, có rất nhiều người khác đào ngũ. Một số đã mất nhà
mất cửa hoặc gia đình ở bên Nhật Bản, một số khác đã lấy vợ Miến Điện
hoặc đã phạm vào một tội ác nào đó khiến không thế sống với chính đồng
bào của họ được - và đa số những người lính đào ngũ này đã trở thành tu sĩ.
Dân Miến Điện chăm lo săn sóc giới tu sĩ của họ cẩn thận nên một ông sư
chẳng bao giờ chết đói cả.
Dẫu vậy, người Nhật Bản vẫn thích gần với người Nhật Bản. Mình
không thể làm sao mà quên được các bạn đồng đội. Sống một mình giữa
những người ngoại quốc, mình không thể không muốn tới thăm trại tù binh
chiến tranh đơn vị cũ của mình. Giống như một con thiêu thân đâm đầu vào
một ngọn lửa, mình tới để xem khi nào họ sẽ được hồi hương và liệu mình
có phải cũng trở về với họ không nếu mình muốn, hoặc giả ở lại xứ Miến
Điện này.
Người này muốn biết những người bạn đồng ngũ xưa kia đang sống ra
sao, nhưng không biết bây giờ họ ở đâu. Anh ta đã đi thăm hầu hết các trại
giam tù binh chiến tranh Nhật ở Miến Điện và những người ấy hình như
cũng không ở Mudon. Nếu chúng tôi trở về Nhật Bản, anh ta muốn chúng
tôi nói cho gia đình anh ta biết rằng anh ta vẫn còn sống. Anh ta cho chúng
tôi địa chỉ thành phố của anh ta và hỏi xem trong đại đội chúng tôi có người
nào cùng quê với anh ta không.
Lúc nói chuyện anh ta trở nên hoàn toàn trầm tĩnh, có vẻ như nhận ra
rằng đại úy là một người tốt bụng, không có ý hại anh ta. Vào gần cuối câu