Vì không thể thuyết phục bà lão cầm lá thư, đại úy đành nhờ bà tìm xem
vị tu sĩ ấy là ai. Nhưng bà lão cũng từ chối luôn cả việc này. Đại úy năn nỉ
hết lời, đoạn ông biếu bà cái đồng hồ đeo tay nói rằng để tặng con trai bà.
Cuối cùng bà miễn cưỡng đồng ý để xem có thể nghe ngóng ra sao.
"Nhờ bà hỏi xem lần đầu tiên ông ấy đến đây lúc nào", đại úy nói. "Nhờ
bà hỏi hộ có phải ông ấy đánh đàn thụ cầm và cái hộp sắt ông ấy đeo ở cổ
trong đám rước tang lễ hôm nọ là gì?"
Bà lão lắng nghe, dáng vẻ nghi ngờ, hai tay chống nạnh, bàn tay áp chặt
trên hai hông đít mập mạp, rồi trở nên bực bội. "Thật tức cười!" Bà nói một
cách dè bỉu. "Ông muốn hỏi như thế để làm gì! Miến Điện có nhiều tu sĩ.
Các người đi đó đi đây, rất nhiều vị chơi đàn thụ cầm và cái mà các người
đeo ở cổ có động chạm đến ai đâu! Thay vì bận tâm về những điều vớ vẩn
như thế, lính Nhật các ông cần phải ngoan đạo hơn nữa!".
"Dạ, chúng cháu biết, thưa bà" đại úy nói, "nhưng dù sao cũng xin bà
tìm ra hộ chúng cháu. Nếu vị tu sĩ ấy là người tốt, chúng cháu sẽ theo học
để trở nên ngoan đạo hơn".
Sau vài lần năn nỉ, hối thúc nữa, bà lão đồng ý thử xem.
Trong lúc chờ đợi bà lão trở lại, đại úy nóng lòng sốt ruột nên lại yêu
cầu viên sĩ quan Anh cho điều tra lần nữa. Nhưng lần này người Anh ấy từ
chối, không cứu xét vấn đề, bởi vì câu chuyện đại úy của chúng tôi nói ra
có vẻ huyền hoặc quá đi.
Mới đầu cái người Anh vai rộng to béo ấy gieo mình xuống cái ghế và
lịch sự lắng nghe, nhưng sau đó một vẻ nhìn nghi ngờ hiện ra trong đôi mắt
xanh của ông ta, và bộ ria mép bắt đầu mấp máy. Đoạn ông phá ra cười:
"Một vài tiếng đàn bồng bềnh trong gió nhẹ - và ông tin là một người đã
chết đang sống lại! Kể cũng hay hay, thực là thú vị quá chừng. Chắc ông
đang mơ màng!".
Đại úy chẳng nói được gì.
Trong khoảng thời gian con vẹt được huấn luyện kỹ lưỡng thì bà lão trở
lại. Như thường lệ, bà nói dông dài hết chuyện này sang chuyện khác,
giọng lanh lảnh, nhưng không đả động gì đến đầu đuôi câu chuyện. Đến lúc
đại úy gạn hỏi tin tức thì bà mới kể cho chúng tôi nghe như sau: