Trong lúc lắng nghe tôi cảm thấy rằng những con người phẫn nộ này
đang bị một sức mạnh kỳ lạ chế ngự. Có lẽ họ đang nghĩ những ý nghĩ khác
nhau, tuy nhiên là một nhóm người thì tính cách cá nhân của họ đã biến
mất. Vì đã kích thích nhau bằng một sự biểu lộ giả tạo lòng can đảm nên họ
không thể lùi bước được nữa. Một cái gì đang quyết định và chỉ huy cả
nhóm, chứ không phải ý chí của một cá nhân. Tôi không còn biết làm thế
nào để đương đầu với sự bướng bỉnh này. Hiển nhiên là một số người trong
bọn đã quyết tâm chiến đấu đến chết - tuy nhiên, hình như cũng có những
người nghi ngờ không biết liệu đó có phải là một hành động hợp lý hay
không. Nhưng họ không thể nói ra. Hơn thế, vì quá yếu để chống lại đám
đông, họ đã không hiểu tình hình thực sự. Họ không có cách nào phán đoán
tình hình cả. Ngay dù có muốn xác định thái độ, họ cũng không có cái gì
chắc chắn để bấu víu vào. Đó là lý do tại sao cuộc tranh luận gay cấn
nhưng lung tung đã chiếm hết ngày - hoặc có vẻ như thế.
“Cút đi! Anh không phải là một người Nhật; anh là một kẻ hèn nhát bẩn
thỉu. Thôi cút đi!”
“Không. Tôi không đi. Tôi sẽ ở lại đây cho đến khi nào các anh bình
tĩnh trở lại.”
“Nếu không đi, anh sẽ mất mạng ở đây - anh không muốn mất cái mạng
sống quí báu của anh chứ gì?”
“Tôi không muốn hy sinh đời mình một cách vô ích.”
“Ồ! Anh nghĩ chúng tôi đang chiến đấu một cách vô ích chứ gì?”
“Không ích lợi cho tổ quốc hoặc cho chính các anh. Rõ ràng là thế.
Chẳng cần đặt vấn đề nữa.”
“Đồ phản bội!”
Một người lính lấy hết sức đánh tôi. Tôi tránh và anh ta đấm ngay vào
cây đàn tôi đeo trên vai.
“Cái ấy là cái gì?” Người ấy hét. “Muốn giở trò gì với một vật như thế?”
“Tôi dùng vật này để gửi đi những tin mật!” Tôi quát lại.
Hết giờ rồi. Một lần nữa tôi nói với đại úy: “Thưa đại úy, đại úy phải
chịu trách nhiệm về sinh mạng của những người này!” Tôi nói toạc ra cho
ông nghe. “Nếu họ chết, một cách không cần thiết, liệu đại úy có nhận lời