khiển trách không? Đại úy có thể tự mình giải thích với tổ quốc và gia đình
họ không?”
Đại úy nín thở, như thể vừa bị tát vào mặt. Ông do dự một lúc rồi quay
lại và nói: “Được, để biết kết quả hãy xem mọi người phát biểu ý kiến.”
Theo lệnh ông, tất cả xếp hàng đi qua một lỗ hổng nhỏ ở đằng cuối sang
một cái hầm khác, để người lính gác ở lại với tôi.
Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ còn mười phút thôi.
Tôi cảm thấy bối rối và nôn nóng. Trong hầm bên kia có nhiều tiếng nói
lớn giọng. Tôi hét vào trong đó: “Xin các anh quyết định trong năm phút
tới!”
Người lính gác thì thầm: “À mà này, tình hình ra sao hở?” Anh ta hình
như có vẻ khó chịu lắm. Đoạn, anh ta tiếp lời, như thể lầm bầm với chính
mình: “Trong hầm ấy có nhiều người bị thương lắm và họ đều nói họ muốn
dứt khoát đi cho rồi.”
Tôi nghe thấy đại úy đặt câu hỏi và những người lính hét to trả lời. Vài
phút sau, họ trở lại trong trạng thái kích thích tột độ. Hiển nhiên là cái tinh
thần đã đưa họ đi xa đến thế này vẫn bất di bất dịch. Nếu được thầm lặng
nói chuyện với họ độ khoảng một giờ gì đó, có lẽ tôi đã có thể thay đổi ý
định của vài người, nhưng dưới áp lực như thế này, chẳng làm gì được. Chỉ
còn có đúng năm phút nữa mà thôi.
Dán mắt vào tôi chằm chằm, đại úy tuyên bố, giọng thật lớn: “Mọi
người ở đây quyết tâm chiến đấu cho đến chết để bảo vệ vị trí. Ai cũng
đồng ý như vậy.”
Tôi cứng họng không nói được gì. Tôi cảm thấy máu chảy mạnh lên
đầu. Vài người lính đang hô: “Hoan hô! Muôn năm!”
Bàng hoàng, tôi bắt đầu đi ra phía cửa hầm. Những gì tôi có thể làm bây
giờ ấy là yêu cầu vị chỉ huy người Anh cho tôi thêm chút ít thời gian nữa.
Khi tới cửa hầm, tôi nghe thấy tiếng đả kích vang ở phía sau.
“Đồ khiếp nhược! Quân hèn nhát cố mà bảo vệ lấy tấm thân nghe
chưa!”
Tuy nhiên, giọng nói của họ nghe đầy thương hại, những giọng nói cay
đắng, đố kỵ của những người tận số xổ vào mặt một người sẽ tiếp tục sống.