Wallander bắt đầu tự hỏi không biết người đàn ông đang ngồi đối diện
ông trên cái ghế thấp có bị ấm đầu không. Bjorklund chỉ một bức tranh để
trên bàn.
— Tôi đã hỏi bọn nhóc bảy tuổi ở Ystad về hình dung của chúng về
những con quái vật. Lấy cảm hứng từ những câu trả lời của chúng, tôi đã vẽ
nhân vật này. Người Mỹ thích lắm. Nó sẽ có vai chính trong một loạt phim
hoạt hình kinh dị với mục đích làm bọn trẻ từ bảy đến tám tuổi phải sợ hãi.
Wallander nhìn bức tranh. Rất khó chịu. Ông đặt nó xuống bàn.
— Ông cảm nghĩ gì về nó? – Bjorklund hỏi.
— Ông có thể gọi tôi là Wallander.
— Ông nghĩ gì về nó?
— Nó rất khó chịu.
— Chúng ta sống trong một thế giới khó chịu. Ông có đi xem kịch
không?
— Không thường xuyên.
— Một nữ sinh viên của tôi, một cô gái có tài người Gentofte, đã lục tìm
trong kịch mục của nhiều nhà hát trên khắp thế giới trong hai mươi năm
vừa qua. Kết quả hết sức thú vị. Nhưng không hề đáng ngạc nhiên. Trong
một thế giới ngày càng mang đậm dấu ấn của đổ nát hơn, sự nghèo đói,
cướp bóc, sân khấu sẽ thường xuyên chú tâm nhiều hơn vào cuộc sống gia
đình. Ít nhất thì Shakespeare cũng đã nhầm, chân lý của ông ta không còn
giá trị gì ở cái thời đại đáng sợ của chúng ta nữa. Sân khấu không còn là
một tấm gương của thế giới nữa.
Ông ta im lặng và đặt cái mũ rơm xuống bàn. Wallander nhận ra là người
Bjorklund toát ra mùi mồ hôi.
— Tôi vừa quyết định cắt điện thoại, – ông ta nói tiếp. – Cách đây năm
năm, tôi đã vứt tivi đi. Bây giờ đến lượt điện thoại phải biến khỏi cuộc đời
tôi.