Nhưng cô không hề có ý định đi về, ở trường không có giờ học. Vì đang
thực tập nên cô cũng xin nghỉ ở đài phát thanh. Nếu bây giờ về thì cũng chỉ
có một mình, yên tĩnh đến phát hoảng, thà ở trường cho náo nhiệt còn hơn.
Tang Vô Yên đợi tiếng chuông báo vào giờ vang lên lại quay về chỗ
ngồi.
Bàn làm việc của Tô Niệm Cầm liền kề bàn của cô Lí, mặt đối mặt. Vì
thế nên bây giờ hai người cũng đang mặt đối mặt. Tang Vô Yên lại bắt đầu
bò ra bàn suy nghĩ vẩn vơ. Còn Tô Niệm Cầm thì ung dung lấy một cuốn
sách chữ nổi trong ngăn kéo ra, lật đến trang đã đánh dấu bắt đầu ngồi đọc.
Hai bàn tay của anh đặt trên mặt sách, di chuyển từ trái sang phải theo một
tiết tấu nhất định.
Hiện đang là tiết thứ tư, hai cô giáo vừa nãy đã lên lớp, những giáo viên
không có giờ dạy cũng lần lượt về nhà. Trong văn phòng chỉ còn lại hai
người họ. Tô Niệm Cầm không về là vì lúc nãy cô Lí nói chỉ xin mấy phút,
không hề nói sẽ dùng cả tiết, vì vậy nếu cô ấy nói xong trước khi hết giờ,
anh vẫn sẽ tiếp tục lên lớp.
Mưa lớn dần, nước mưa đập vào cửa kính vang khá to.
Tang Vô Yên ngồi không cũng tìm một cuốn sách trên bàn cô Ngô bên
cạnh ra đọc. Cô Ngô dạy ngữ văn, chỉ có một cuốn sách ngữ văn tham khảo.
Chỗ bị gấp đánh dấu chính là bài thơ Ngõ Ô Y của Lưu Vũ Tích, Tang Vô
Yên từ nhỏ đã có hứng thú với thơ văn. Trước kia, ở nhà Ngụy Hạo thường
mở băng cát xét ba trăm bài thơ Đường, kết quả cô ở nhà bên nghe đến
thuộc lòng như cháo chảy, còn Ngụy Hạo thì không.
Bài Ngõ Ô Y cô cũng biết, chỉ có điều nhớ không chính xác lắm, thế là
vừa đọc sách cô vừa bất giác đọc thầm: “Chu Tước cầu nay cỏ đã hoang, Ô
Y ngõ nắng lúc đương tàn, Yến xưa vốn ngụ nhà Vương, Tạ; Nay hộ tầm
thường cũng liệng sang”.
Vì hồi cấp ba cô học lớp tự nhiên, vào đại học học khoa tâm lí giáo dục,
nhiều năm nay không động vào thơ văn, giờ đột nhiên nhớ lại một vài