– Đúng vậy đó, thưa hoàng thân, ngài diễn tả điều đó bằng những ngôn
từ thật diễm lệ, thật giống với tâm hồn đôn hậu của ngài biết mấy! - Ông
tướng khoái trá kêu lên và lạ lùng thay, những giọt lệ chân thành đã long
lanh trên khóe mắt ông. - Vâng thưa hoàng thân, cảnh tượng đó thật vô
cùng hùng tráng! Và ngài có biết không, chút nữa thì tôi đã đi Paris với
Hoàng đế rồi, và chắc rồi tôi sẽ chia sẻ cảnh lưu đày cùng Ngài tại “hòn
đảo ngục tù nghẹt thở”
đó rồi. Nhưng than ôi, định mệnh đã phân rẽ hai
chúng tôi! Chúng tôi ai đi đường nấy, Ngài đi về hòn đảo ngột ngạt mà
chắc không phải chỉ một lần trong những giờ thống khổ khủng khiếp, Ngài
đã nhớ đến những giọt lệ của đứa bé khốn khổ đã ôm hôn Ngài và tha thứ
cho Ngài tại Moskva. Còn kẻ kia là tôi thì được gửi đến liên đoàn học viên
sĩ quan, ở đó tôi không còn tìm thấy gì khác hơn ngoài kỷ luật sắt và những
tên bạn đồng khóa thô lỗ, trời đất ơi! Mọi sự đã biến ra tro bụi cả! “Ta
không muốn đem con đi xa khỏi mẹ con đâu, ta sẽ không dắt con đi với ta
đâu, - Ngài đã bảo tôi thế vào ngày triệt thoái, - nhưng ta muốn làm một vài
điều cho con”. Ngài sửa soạn lên ngựa. “Xin Ngài hãy viết vài dòng lưu
niệm cho con trong tập ảnh của em gái con đây”, tôi e ấp yêu cầu, vì lúc đó
Ngài rất buồn bực, âu sầu. Ngài quay lại tôi, hỏi mượn quản bút, rồi cầm
lấy tập ảnh. Nhấc bút lên, Ngài hỏi tôi: “Em gái con lên mấy?”. “Nó lên
ba”, tôi đáp. Ngài bảo: “Petite fiell alors”,
sau:
Ne mentez jamais.
Napoléon, votre ami sincere.
Hoàng thân ơi, ngài cứ thử tưởng tượng xem, vào một giây phút như thế
đó mà Ngài vẫn còn khuyên được như vậy!
– Vâng, thật ý nghĩa lắm!
– Trang giấy đó được tôi lồng kính trong khung vàng và đặt ở một nơi
trang trọng nhất trong phòng khách của em gái tôi cho đến ngày nó chết,
chết trong khi sinh đẻ. Bây giờ tôi không biết kỷ vật ấy đã lạc đâu rồi,
ngoại trừ… Ô, nhưng mà trời ạ, đã hai giờ mất rồi. Chà, hoàng thân ơi, tôi
đã giữ ngài lâu quá đi mất, thật không thể tha thứ được.