Họ đọc mãi. Cả ba người giờ đã bị hút hồn vào những cuộc phiêu lưu
từng dẫn ông Bartholomew tới việc khám phá ra những câu chuyện về “cái
bóng”. Dường như ông đã đi qua hầu như mọi quốc gia châu Âu, châu Á,
châu Phi. Nhưng chính từ cuộc hành trình tới nước Ý mà ông đã khám phá
ra sự thật về nguồn gốc của bức chân dung Vua Đỏ.
Một người tên là Luigi Salutati được thừa kế tấm áo choàng màu đỏ của
Vua Đỏ từ tổ tiên mình là công chúa Guanhamara. Luigi là một họa sĩ, và
không rõ lúc nào, vào thế kỷ thứ 15, ông đã tới Venice để thọ giáo họa sĩ vĩ
đại Jacopo Bellini. Một đêm nọ, một mình trong xưởng vẽ, Luigi quàn
chiếc áo lên vai cho ấm. Ngay khi vừa choàng chiếc áo vào người, ông liền
bị chế ngự bởi niềm khao khát phải vẽ chân dung một người đàn ông hay
đến thăm mình trong những giấc mơ. Gương mặt đó giờ đây trở nên rõ rang
đối với ông như thể họ cùng ở trong một căn phòng. Nhận ra đây chắc hẳn
là tổ tiên mình, vị Vua Đỏ huyền thoại, và Luigi bắt đầu vẽ ngài. Nhưng
trong khi vẽ, Luigi nhận thấy có một thế lực thù địch hiện hữu trong phòng,
một cái bóng cứ nhất mực đòi đi vào chân dung. Cho dù cố hết sức, Luigi
vẫn không thể ngăn được nét cọ của mình trệch ra, ngay chỗ một bóng đen
bắt đầu hình thành đằng sau dáng hình của Vua Đỏ, Luigi thú thật là mình
đã rơi vào quyền năng của một thầy bùa ác tâm nào đó, kẻ nhất quyết phải
ám ảnh cho được ký ức về Vua Đỏ.
Bức tranh đã ở lại Venice suốt cho đến khi những hậu duệ của Luigi đem
nó qua nước Anh vào thế kỷ 16. Đây cũng chính là thời gian mà họ đổi họ
của mình thành Silk.
“Gabriel!” Charlie thốt lên. “Gia đình Gabriel là chủ nhân của bức chân
dung Vua Đỏ.”
“Giờ thì không còn nữa,” Ông cậu Paton rà ngón tay xuống trang giấy.
“Ở đây viết rõ là bức chân dung đã bị mua từ nhà Silk bằng những thủ đoạn
lừa bịp và hiện đang treo ở Học viện Bloor.”