Hai mẹ con người đàn bà Việt kiều đến thăm bến Tuần chỉ mấy ngày sau
khi người họa sĩ qua đời. Trên quãng đường ngắn từ quán nước về nhà trọ,
tiếng trò chuyện bằng ngôn ngữ ngoại quốc thánh thót như chim của hai mẹ
con chen lẫn trong tiếng cười khúc khích của cô gái nhỏ khiến ôn Thiên
trong giây phút quên cả muộn phiền. Người mẹ nhanh nhân sánh bước với
ôn Thiên.
- Xin lỗi bác Hai. Cháu nó nói tiếng Việt không rành lắm. Cháu vừa hỏi
tôi, mắt bác Hai như vậy mà sao bác đi nhanh hay quá?
- Chỉ một khúc đường ngắn, đi tới đi lui mỗi ngày cả hơn năm mươi năm
ni nên chi quen rồi O ơi.
Ôn Thiên đưa hai mẹ con vào căn phòng khang trang duy nhất của quán
trọ, nơi người họa sĩ đã sống mấy tháng cuối cùng của cuộc đời. Người đàn
bà vui vẻ giúp ôn Thiên trải xếp lại chăn chiếu trong phòng. Lắng nghe
giọng nói miền Nam hồn nhiên vui tai của người khách trọ làm ôn Thiên
cũng trở nên bặt thiệp góp chuyện.
Tiếng người đàn bà nói như reo từ phía cuối phòng nơi treo tranh của
người họa sĩ quá cố.
- Sao nhà trọ có nhiều tranh của họa sĩ Lê vậy bác Hai? Ông ta ở Úc mà
nổi tiếng qua tận bên Mỹ đó bác. Ủa, có một tấm hình như đang vẽ dở dang
...
Nghe nhắc tới bạn, ôn Thiên chợt buồn đến lạc giọng.
- Ôn Lê về thăm quê ở Huế, rồi lên Tuần mấy tháng, uống rượu vẽ tranh.
Ôn họa sĩ chết đột ngột vì bệnh tim, chẳng kịp vẽ cho xong bức tranh ôn
nuôi dưỡng trong đầu suốt một đời lưu lạc.
Tiếng người đàn bà chùng xuống ngậm ngùi.
- Tội nghiệp quá! Thuở sinh thời của cha mẹ, cháu nhớ không hề nghe
cha hay mẹ đề cập gì đến họa sĩ Lê nhưng có lẽ họ có quen biết nhau. Một
lúc nào đó thời son trẻ. Nhà cha cháu để lại bên Mỹ vẫn còn treo bức tranh
thiếu nữ bên sông của họa sĩ Lê ký tặng mẹ. Bức họa cũ , tương tự như bức
đang vẽ dở dang, nhưng màu sắc thì tươi thắm chứ không xám chìm ảm
đạm thế này.
Ôn Thiên đứng lặng người, đôi hỏm mắt phủ mây đục nhướng lên cố
nhìn ngoái vào vùng trí nhớ in hằn từng phiến tích âm động khóc cười của