CHIẾC ÁO MÀU RÊU XANH - Trang 46

Thực tế “quê hương thần thoại” của bà còn tệ hơn điều Nữ muốn chuẩn bị
cho bà.

Suốt mấy ngày ở Thanh Chương, làng quê cụ Trần Đông Phong, nhiều

người tự nhận là bà con thân thích với ông Đồ Mường đã nườm nượp gọi là
đến thăm cháu ngoại người Nhật của cụ Phong nhưng thật ra là để than thở,
đặt điều nhờ Nữ thông dịch xin tiền. Không ngờ “bà già người Nhật lắm
tiền không xin cũng uổng” nghe hiểu từng tiếng từng lời gian trá, nghe mà
không tin vào tai mình. Tệ nhất là một phụ nữ trẻ đến ngả giá đòi tiền để cô
ta dẫn đi tìm người đang sở hữu vài sáng tác thi phẩm của cụ Phong.

Chuyến đi khá vất vả đến một thôn hẻo lánh ở Đồng Văn. Căn nhà tranh

nhỏ bé, bàn thờ ở gian giữa đơn sơ một chử Tâm màu điều viết trên khuôn
giấy bồi cũ. Lời chào hỏi giữa cô gái dẫn đường và người chủ nhà khiến Nữ
và bà mẹ chồng ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Cô gái ngại ngùng liếc mắt
về phía Nữ rồi bước nhanh xuống bếp pha trà theo lời sai bảo của ông
ngoại. Cụ già nhìn theo cháu, lắc đầu.

- Mày mà làm cô giáo thì dạy dỗ ai đây. Giổ mẹ cả tháng không bén

mảng về thắp một nén nhang.

Câu chuyện nở ra sau lúc Nữ giới thiệu bà Mitzuki với cụ chủ nhà. Cô

gái kinh ngạc lấp ló ở cửa bếp lắng nghe bà già người Nhật nói tiếng Việt
lưu loát với ông ngoại, có lẽ cô ta đang bấn lên vì chuyện đòi tiền trắng trợn
hôm trước. Cụ già ngạc nhiên không kém, ông hớn hở biết ra người đàn bà
ngoại quốc trước mặt là cháu ngoại của cụ Trần Đông Phong. Hai người
anh em họ cuối cùng đã gặp nhau trong một hoàn cảnh không ngờ.

Cụ già là cháu nội của người em chú bác với cụ Phong. Trong thời kỳ cải

cách ruộng đất, gia đình ông bị đấu tố là địa chủ phản động mất hết ruộng
đất gia sản và bị đày đi lao động cải tạo trên vùng núi hẻo lánh. Ông sống
nghèo, tuy chẳng thẹn với lòng nhưng buồn lòng nhìn con cháu lớn lên bị
vẩn đục trong một xã hội đong đếm, xảo trá lọc lừa.

Bà Mitzuki nghĩ tới nét mặt khắc khổ của người đàn ông Việt Nam đã

sống qua bao cảnh dâu biển đổi dời mà lòng vẫn giữ trọn một chử Tâm tinh
khiết. Tiết tháo đó so với cái chết của ông ngoại có lẽ cũng can trường như
nhau. Bà vui vui nghĩ tới Hiroshi đang bận rộn ở Đồng Văn sửa lại ngôi nhà
của người em họ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.