nghiêng vạt nắng lối lên chùa, rứa mà buổi sáng hôm đó Nương đã níu chặc
tay Mạ dùng dằng chẳng bước. Giếng khơi sân chùa và hình ảnh gần gủi
của Mạ nghiêng mình bên thành giếng lanh canh tiếng gàu giúp Nương yên
tâm rụt khỏi tay Mạ bước vô lớp học đầu đời. Tiếng ê a của bầy trò nhỏ xen
lẫn trong tiếng kinh nhật tụng trầm đều nghe thật êm đềm như tiếng chuông
chùa ngân vọng bốn bề vào mỗi buổi sáng.
Con đường qua dốc Nam Giao ngày càng chộn rộn hơn với từng đoàn
công-voa chở lính Mỹ, lính quốc gia quần áo trận rằn ri nườm nượp chạy ra
khỏi thành phố. Cha đi làm về trễ, ông dắt xe đạp dựng trên hiên nhà rồi
quay nhìn con đường lót đầy ổ gà.
- Đường sá chi mà lổ hê lổ hủng, đạp xe tránh muốn bứt gân.
Ông lấy cái bánh cam trong túi áo đưa cho con gái đang đứng chờ Mạ sai
vặt bên khoảnh đất trồng rau trước nhà.
- Con Nương, mi học bài thuộc chưa hè…? Tình hình ngoài quê chộn
rộn lắm đa nghe. Nghe nói ngoài Quảng Điền đương đánh nhau lớn lắm.
Mạ mi coi mà…
Mạ hốt rau bỏ vô rổ đứng lên.
- Biết coi chi chừ? Còn mấy đám ruộng muối nằm đó, ai muốn khiêng đi
mô thì khiêng. Lo cho ôn tề. Mấy tháng ni chuyển ra đồn cảnh sát Đông Ba,
ôn đi sớm về trễ mệt ghê.
Cha bước vô nhà.
- Tui là cảnh sát áo trắng, toàn là bắt xe đạp không đèn với nhát con nít
trèo vườn bông chớ có làm chi mô mà lo. Nói rứa chớ trúng vô mấy ngày
tiểu thương chợ Đông Ba bãi thị biểu tình chống chính phủ trong Sài Gòn
đàn áp Phật giáo thì cũng mệt đứt hơi vì chạy tới chạy lui. Cha bật cười
lớn…Đã rứa mà còn bị mấy mụ háy với nguýt vì làm tay sai cho chính phủ
Nguyễn văn Thiệu.
Có một dạo con đường qua dốc Nam Giao tuy vắng hẳn xe nhà binh
nhưng càng đông đúc rộn rịp hơn vì có ngày hầu như cả thành phố Huế,
nhất là sinh viên, học sinh, cùng giới tiểu thương các chợ tụ tập về chùa Từ
Đàm nghe thuyết pháp và hoan hô đả đảo rân trời. Bàn thờ Phật từ trong
nhà mang ra giữa lộ bày dọc theo khắp các ngã đường. Trên trục lộ chính
dọc theo đường Nguyễn Huệ, từ Tòa Đại Biểu qua Nam Giao, dày kín bàn