già trông nương, trông kho đựng thóc và nuôi gà, bao giờ con
cháu làm xong nương mới, có lúa ăn đầy đủ mới đón người
già đi.
Những ngày đêm mưa tầm tã trên núi, tưởng không bao
giờ dứt, cũng qua. Đám mây lam đốm xám như đuôi con sóc
nối nhau bay quần sát ngọn cây, lê thê đi mãi, bây giờ cứ
loáng thoáng nhạt dần, thỉnh thoảng đứt quãng, đã thấy
lồ lộ đằng xa một bức vách đá trắng toát. Tiếng chim kỳ
lại thánh thót gọi mưa tạnh, trong từng khoảng trời dịu xanh
quang, tạnh ráo.
Trên một cây xoan có bậc thang đóng vắt vào thân cây,
bà Ảng ở túp lều cành xoan ấy - chiếc lều như một cái tổ
chim. Lều gà cũng ở trên cành xoan với lều người. Quanh
lều thòng ra lô xô những dây dợ bắt dài vào nương sắn.
Nếu có gấu, có nhím về đào sắn, bà giựt dây. Bà Ảng
đuổi thú rừng cả ngày, cả đêm.
Những đêm giông bão, bà Ảng vẫn thức. Mà sao bà Ảng
không thấy điều gì quạnh quẽ trong lòng. Bà Ảng ngồi im
trong chiếc lều đảo điên giữa cành cây trông ra những mô
đá lúc đen sì, lúc bóng nhoáng, nhô trên nương. Nhưng bụng
bà vẫn yên tĩnh như khi trời tạnh. Bà đương nghĩ: “Một đời
tao không biết mặt cái ruộng, tao không biết đi làm nương.
Bây giờ già sắp chết mới được ngồi canh nương của mình
thế này”. Nghĩ thế, trong lòng bùi ngùi.
Trời đã tang tảng, bà kéo cái dây hạ chuồng gà trên cành
xoan xuống. Cho đến lúc có ánh nắng, bà Ảng mới thả gà.
Rồi bà dạo xem qua các giàn bí đỏ, thấy quả nào đã già