mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì
lên núi trích nhựa quả thuốc phiện, giữa năm thì gặt đay, xe
đay, đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù lúc đi hái củi, lúc
bung ngô, lúc nào cũng gài một bó lanh trong cánh tay để
tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế.
Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng
gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào
việc cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi
trong xó cửa. Ở cái buồng Mỵ nằm, kín mít, có ô cửa sổ là
một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy
trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mỵ nghĩ
rằng mình đành ngồi trong cái lỗ áo quan ấy mà trông
ra, đợi bao giờ chết thì thôi.
Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa
đã xếp đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch,
đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài,
người ta thành lệ, cứ ăn Tết thì gặt hái vừa xong, không kể
ngày tháng. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống
thì đi vỡ nương mới.
Hồng Ngài năm ấy Tết đến giữa lúc gió thổi vào cỏ
tranh vàng ửng, gió và rét dữ dội.
Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã
đem ra phơi trên mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ. Hoa
thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi màu đỏ au, đỏ thẫm, rồi
sang màu tím man mác. Đám trẻ đợi Tết chơi quay, cười
ầm trên sân đất trước nhà.