đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ
mới thôi. A Phủ! Lại đây nhận tiền quan cho vay.
A Phủ lê hai đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù. A
Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt
hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ.
Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng nhặt
xong lại để ngay xuống mặt cái tráp ấy. Rồi Pá Tra lại đút
cả đống bạc vào trong tráp.
Con lợn vừa mua về cho A Phủ thết làng ăn vạ đã kêu
eng éc ngoài sân. Từ lúc đếm tiền rồi, A Phủ không phải
quỳ, phải đánh nữa. A Phủ đứng lên cầm con dao, chân đau
bước tập tễnh, cùng với mấy trai làng, ra chọc tiết làm thịt
lợn hầu làng. Trong nhà, vẫn thuốc phiện hút rào rào.
Thế là từ đấy A Phủ phải đi ở trừ nợ cho nhà quan thống
lý. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ,
chăn bò chăn ngựa, quanh năm một thân một mình rong
ruổi ngoài rừng. A Phủ đương tuổi sức lực. Đi làm hay đi săn,
cái gì cũng làm phăng phăng. Không có lúc nào trở về
Hồng Ngài. Nhưng A Phủ chẳng muốn trở về làm gì bên
ấy.
A Phủ cũng không phải người bên ấy. Bố mẹ đẻ A Phủ ở
Háng-Bla. Năm xưa, Háng-Bla phải một trận đậu mùa,
nhiều trẻ con, cả người lớn chết, có nơi sạch cả nhà. Anh của
A Phủ, em A Phủ, bố mẹ A Phủ cũng chết. Còn sót lại một
mình A Phủ. Có người làng đói bắt A Phủ đem xuống bán
đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng. A Phủ mới mười
tuổi, nhưng A Phủ ngang bướng, không chịu ở thung lũng