A Phủ chợt hiểu.
Người đàn bà khốn khó đó vừa cứu mình.
A Phủ nói: “Đi với tôi”. Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao
chạy xuống dốc núi.
Hai người đi liền hơn một tháng. Đi truyền trên những
triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng,
đất đỏ, suối trắng tinh, trông thấy nhà ở trước mặt mà
mấy ngày chưa tới. Đi từ Hồng Ngài xuống qua vùng
ruộng Mường Quài của người Thái, đi từ Nậm Cắt sang
Chống Chia, từ Chống Chia qua dốc Lùng Chùng Phủng
lại trở về bờ sông Đà giữa châu Phù Yên sang châu Mai Sơn,
là chỗ đầu mối giao thông của ngoài vùng tự do và các khu
du kích của các dân tộc Thái, Dao, Mèo bên kia sông, rồi
về trong những làng Mèo đỏ hẻo lánh vùng Phìn Sa. Xa
lắm rồi, nhà thống lý Pá Tra không đuổi được nữa - hai
người nghĩ thế.
Ròng rã hơn một tháng, ăn rau rừng, củ nâu, mộc nhĩ, đi
vừa hết mùa mưa mới tới Phìn Sa.
Hai người tới Phìn Sa thì ở đấy không ai còn biết đấy là
A Phủ, người ở nợ nhà thống lý, cũng không ai còn biết
đấy là Mỵ, con dâu gạt nợ của nhà thống lý. Ngỡ đấy là hai
vợ chồng một nhà đông anh em ở làng bên kia dốc Lùng
Chùng Phủng, ruộng vỡ được ít mà miệng ăn thì nhiều, cho
nên anh em, vợ chồng phải chia ra, đem nhau đi tìm ăn nơi
khác. Hai người nhận là vợ chồng. Mà thật thì A Phủ và Mỵ
đã thành vợ chồng từ những hôm vượt rừng vượt núi sang.