Đã thề xong, A Phủ kê con dao lên cắt cổ gà. Được lưng
bát tiết, A Phủ quỳ xuống, uống một nửa, A Châu một nửa.
Không thấy tanh mà cũng không ghê lợm gì cả. Ý nghĩa
tinh thần của công việc đã khiến người cán bộ vượt qua
những điều ngần ngại lúc nãy. Từ lúc nghe A Phủ thề, nét
mặt nghiêm, tin tưởng, rồi chính mình bước ra thề làm anh
em với A Phủ, không bao giờ phản nhau, thì người cán bộ
không còn ngượng và sợ mình phong kiến nữa, mà trước
bàn thờ lúc nãy chỉ thấy chói lọi lòng trung thực tha thiết
của hai người.
Mỵ từ trong bếp ra. Đàn bà không được ăn thề, nhưng
Mỵ trông, Mỵ nghe hai người thề thì Mỵ không ngồi bếp
được. Mỵ ra quỳ xuống trước mấy nén hương thắp dở, Mỵ
bưng mặt khóc. A Phủ cũng bật khóc. Mỗi người nghĩ lại ngày
qua, cay đắng và ngậm ngùi.
A Châu nói với Mỵ:
- Bao giờ lấy được độc lập thì vợ chồng A Phủ về quê tôi
chơi. Bấy giờ, đâu cũng được ở yên, làm ruộng làm nương,
làm buôn làm bán, đâu cũng sướng như nhau.
Nghe A Châu nói, hai vợ chồng A Phủ ngước lên, nước
mắt còn chan hòa, cùng nghĩ đến lúc sung sướng ấy: Có
cái nhà gỗ trên núi tranh, có trâu, có ngựa quanh nhà, có trẻ
con chạy chơi dưới những cây đào trước cửa, như họ đã ước từ
ngày mới sang Phìn Sa.
Từ đấy, A Châu thường khi đi, khi về nhà A Phủ. Mỗi
lần công tác xa, lại dặn: “Ở đây nhé, rồi tôi trở về, ở đây