nhé!...”. Vợ chồng A Phủ vẫn ở đấy.
Một năm sau, vùng Phìn Sa thực sự đã trở nên khu du
kích. Tây đồn Bản Pe lên cướp lợn, cướp bò, bẻ ngô, thì làng
chạy hết, du kích ở lại bắn đuổi. Lâu lâu, không dám lên và
khinh thường người ở trên núi nữa.
Hôm ủy ban xã làm lễ thành lập đội du kích, có bộ đội và
ban huyện về tham dự, mít tinh rồi chơi đánh pao, đánh
yến. Đội du kích đủ súng kíp, có cả ngựa. Những ngày nắng,
lên tập bắn lá cây trên đỉnh núi.
Mùa xuân lại đến trên những đỉnh núi cao các làng Mèo.
Tết của khu du kích kháng chiến không có tiếng chiêng
cúng ma rập rờn. Nhưng trong đồi cỏ tranh mênh mông,
gió cứ giật từng cơn vàng rực và trong phong cảnh khô héo
cũng từa tựa mọi năm, mỗi khi gặt hái xong, năm nào cũng
như năm nào, trời cao mà như gần, cỏ tranh đã bắt đầu
úa, có những con đường đất đỏ ối, dài hun hút, vờn lên
từng nét ghê rợn bên sườn núi trọc, có những buổi chiều
buốt, lạnh teo, trong khi ấy cái Tết thong thả tới. Nhà nào
cũng nghỉ đi làm nương. Củi gỗ thông trong bếp bốc mùi
thơm. Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh.
Nhà nhà giã bánh dày, giết lợn làm Tết. Năm nay trai gái
không chơi Tết trước sân đầu làng, sợ tiếng sáo, tiếng
reo hò kinh động xuống cánh đồng, khiến Tây đồn nghe
tiếng. Họ kéo nhau lên núi, đi chơi trên núi từng đoàn. Các
chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các
chị Mèo trắng chít khăn trắng nếp phẳng lì, tóc mai cạo
xanh nhẵn. Con trai thì áo chẽn, bịt đầu khăn trắng, thắt
lưng màu thiên thanh.