nguyên cả cây trong rừng từ dạo chớm vào thu, rồi vác dần
về. Những cành củi cao quá đầu che lấp người, như một bó
cây nhích đi. Vào đến đầu nhà mới trông rõ bà lão cõng
củi. Chẳng nhớ có phải bà lão hôm nào tôi đã trông thấy vác
nước. Nhớ làm sao được những người lam lũ thất thểu, váy
chàm đã bạc trắng như mo nang, cửa tay, đuôi vạt áo rách
lướp tướp. Mà có hỏi cũng chẳng buồn trả lời, cảnh thường
gặp ở những buổi chiều khó nhọc người ta đi trong rừng ra.
Bà lão đặt từng cây xếp vào hai bên đống củi đun, đống
củi sưởi tựa cột sàn. Rồi lẳng lặng ra đằng sau trèo thang
lên bếp. Nghe tiếng ống thổi lửa pho pho đằng ấy mới
biết. Có khách mà chẳng ra nhóm lại củi sưởi ở cái bếp giữa
chỉ còn tàn than trắng nhợt. Cũng không phải người ta nhạt
khách mà lúc nhà chỉ có đàn bà, không có đàn ông tiếp
khách thường vẫn hững hờ thế.
Tôi chợt nghĩ hay đây là bà bán bánh khảo ngoài chợ đã
về ở với ông lão. Cho nên mới lên thang gác bếp như người
nhà.
Ngoài đường vẫn người thấp thoáng về qua trong sương
chiều vàng xuộm. Chốc chốc, một chiếc xe ngựa tiếng
nhạc đồng rộn rã, người ngồi chen gồng gánh lúa túa trổ
ra hai bên thành xe như cái bàn chông bẫy nhím. Đến giờ
mà lão Công trong Hội Hoan, lão Thành trên Thất Khê
chưa tới thì chắc hôm nay chưa ai đến được. Chỉ lát nữa
thôi, đã tối mịt lại sương xuống rét buốt, đốt đuốc cũng
không cháy, ai dám đi đêm. Nhưng tôi cũng đã quen cảnh
chờ đợi và chơi rốn vài ba hôm ở những nơi đầu rừng, cuối
suối ngày rộng tháng dài như thế này rồi, chẳng áy náy gì.