tanh. Cả gà, lợn cũng đã bắt đem vào “cơ quan” trong rừng
cả. Thỉnh thoảng, một đứa bé nhà dưới ra đứng cửa cất tiếng
eo éo: “Tăm lơ lơ... Tăm lơ lơ...” Nó gọi con chó...
Đến khi Tư và Chẩn trở về thì đã chiều lắm, sương đã
xuống lạnh hai bàn tay. Trong nhà có tiếng gõ cành cạch
và tiếng rì rầm lè nhè. Đó là ông tào - thày cúng - đương
cúng ma cho cô Liễu, cô em gái gầy gùa, em gái Chẩn, độ
này hay ốm.
Cúng xong, Chẩn ôm vào nhà một đống củi, đốt cháy lên
ngùn ngụt. Cả làng đến chơi. Ông thày cúng cũng ở lại đấy.
Tất cả quây quanh lửa. Cả làng được chừng mười người. Họ
đến để nghe Tư nói về công việc báo tin truyền làng,
phòng giặc Tây thình lình tới. Bây giờ làng nào cũng phải
canh gác đề phòng Tây và Việt gian hay đi mò thám. Nếu
không cẩn thận mà như ngày trước hồi còn bí mật, để cho
thằng giặc Nhật lên vây tận trên núi Píc Cáy thì hại cách
mạng nhiều lắm, các đồng chí nhớ không? Nhiều người
nói:
- Nhớ lắm! Nhớ lắm.
- Lần ấy thằng Nhật làm đau cách mạng đấy!
Người nói câu ấy là thày cúng Triệu Văn Hương. Tư hỏi:
- Đồng chí Hương bấy giờ ở đâu?
- Tôi ở Nà Lường.
- Nà Lường có bao nhiêu nhà?