nạm về hơ, rang, đập, tuốt, rồi xay giã, gánh đi. Ba mươi
hai tấn gạo, mặt trận đương chờ. Hàng nghìn vai quẩy cũng
chưa kịp. Kho ngay giữa trời, quân lương không cần vào sổ
nhập, cứ nhập đến gánh nào là đã có vai khác đợi sẵn, đỡ
đi luôn. Vẫn chưa xuể, vẫn chưa kịp, bộ đội lên mặt trận
đông không biết đâu mà đếm, người đi ngày đi đêm, gạo
đi ngày đi đêm. Các ban xã, ban huyện cuống quýt lo tìm
thêm cách chuyên chở.
Sông Vạn Thủy, sông Bắc Khê mùa lạnh, cạn trơ gờ đá.
Bè khô nỏ trôi được. Nhưng đã có cách. Bốn năm làng đi
chặt nứa, kết bè. Những làng phía trên, giáp đồn, gần
ngã ba sông Kỳ Cùng, chỗ đặt kho tiền tuyến thì người ta
đắp bờ cản cho nước dềnh cao lên, đủ thả mảng. Nhưng
hàng chục năm nay, không ai buôn bè, không ai xuôi muối,
xuôi dầu hồi xuống bán ở Thất Khê, những tay đẩy
mảng thành thạo cũng ít còn ở nhà. Làm thế nào tải được
gạo đi? Ba hôm sau, bờ sông đã nhộn nhịp các cụ lão ông.
Các cụ khắp huyện kéo về, mỗi cụ nghênh ngang trong tay
một cây sào hóp dài. Con cháu đã tìm ra được những tay sào
cứng ngày trước.
Trời vẫn mưa, vẫn sương mù. Quá trưa, loạt mảng đầu
tiên mười cái của các cụ lừ lừ trôi vào. Bến kho đông nghịt.
Người đỡ gạo, quảy đi trong mưa phùn. Các cụ lên bờ, ngực
áo phanh trần, phì phò thở. Có cụ cởi nậm rượu trong thắt
lưng ra tu. Một tốp chị em trong Thất Khê ra đi dân công
xuống mảng, tay bám nối nhau, bấm ngón chân cắm
xuống đất dốc. Các cụ nói: