- Có tìm. Nhưng lúc ấy trời tối và trong tình trạng hỗn loạn sau những
trận bom thì làm thế nào tìm được tôi. Tôi không muốn nói về chuyện đã
rồi, giống như là chuyện sau đó ba tuần tôi đã được thoát chết. Khi thì trong
bộ quân phục của bọn SS, khi thì trong bộ quần áo dân sự. Cứ như thế cho
đến khi Hồng quân Liên Xô giải phóng Budapest. Còn sau đó là bắt đầu…
– Imre thở dài. Tháng 3 năm 1946 tôi bị người ta tố cáo, bị bắt giam và bị
đưa ra trước tòa án nhân dân.
- Viện trưởng mà phải ra trước tòa án? – Giọng của Tereza biểu lộ một
sự ngạc nhiên chân thật.
- Phải. Có một kẻ nào đó xưng tên là Robert Haber viết đơn tố cáo tôi,
hình như là trong đêm lễ Giáng sinh tôi đã tham gia vào vụ xử bắn tập thể,
rằng chính mắt hắn trông thấy tôi bắn vào hắn nhưng chỉ làm hắn bị
thương, còn sau đó hắn lại lành lặn y như là hắn có phép thuật vô cùng màu
nhiệm. Hắn xác nhận toàn bộ điều đó ở chỗ lấy khẩu cung tại cơ quan công
an.
- Nhưng chính trong đêm ấy viện trưởng đã cứu Dodek và mấy người
nữa thoát chết cơ mà?
- Chẳng hiểu từ đâu lại tòi ra một gã nhân chứng có cái tên là Nandor
Saad mà thằng cha này trong đời tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ.
- Nhưng còn Dodek? Ông ta không bảo vệ viện trưởng trước tòa hay
sao?
- Thời gian này anh ta không có mặt ở Hungary. Vào giai đoạn cuối
chiến tranh anh ta đã chiến đấu cùng các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô và
trong một trận không chiến, anh ta đã bị trọng thương vì một mảnh đạn
trúng vào đầu. Anh ta được nằm điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở
Ketskemet, rồi từ đấy cùng với những chiến sĩ bị trọng thương khác, được
chuyển về hậu phương ở gần Kiev. Mãi đến đầu năm 47 anh ta mới trở về
Tổ quốc. Từ lúc ấy tôi không được biết gì về anh ta, mà nếu như tôi có tìm
đến chăng nữa, anh ta cũng không thể giúp đỡ gì được. Từ sau vụ bị một
mảnh đạn vào đầu và bị trọng thương, có một khoảng thời gian hình như
anh ta không còn nhớ được nữa. Chỉ huy trưởng nhóm du kích của tôi lại bị
hy sinh vào một trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến..