Tuy nhiên, việc tính chi phí mục tiêu dựa trên mức giá chiến lược thường
rất khó thực hiện. Trong quá trình xây dựng chiến lược, các công ty thường
đề cập một thách thức trong việc đạt được mức chi phí mục tiêu, đó là
không chỉ đa dạng hoá mà còn phải tập trung, để công ty tiết kiệm được chi
phí. Hãy nhớ lại xem Cirque du Soleil giảm được chi phí như thế nào nhờ
việc bỏ tiết mục xiếc thú và hạn chế mời những ngôi sao nổi tiếng, hay
Ford đã giảm chi phí bằng cách sản xuất loại xe Model T đơn giản với một
màu duy nhất và ít chức năng.
Đôi khi những cách thức giảm chi phí đó giúp đạt được mức chi phí mục
tiêu, nhưng thường thì không. Hãy thử xem Ford đã cải tiến những gì để đạt
được mức chi phí mục tiêu đặt ra cho loại xe Model T. Ford đã không sử
dụng quy trình sản xuất chuẩn, với những người thợ lành nghề chế tạo theo
kiểu thủ công từ công đoạn bắt đầu cho đến kết thúc. Thay vào đó Ford ứng
dụng dây chuyền sản xuất mới, thay thế những người thợ lành nghề bằng
những công nhân bình thường, mỗi người chỉ thực hiện một công đoạn nhỏ
nhưng nhanh hơn và hiệu quả hơn, giảm thời gian chế tạo loại xe Model T
từ 21 ngày xuống còn 4 ngày và giảm thời gian lao động xuống 60%. Nếu
Ford không đưa ra sự cải tiến này thì họ không thể bán sản phẩm với mức
giá chiến lược mà vẫn thu được lợi nhuận.
Thay vì tìm cách đạt được mức chi phí mục tiêu như Ford đã làm, nếu
các công ty đi theo con đường tăng mức giá chiến lược hoặc là giảm bớt
đặc tính sử dụng, họ sẽ không hình thành được đại dương xanh. Để đạt
được mục tiêu về chi phí, các công ty có 3 đòn bẩy chính.