khoảng thị trường mới trong lĩnh vực giải trí, kết quả là tạo ra sự tăng
trưởng mạnh mẽ và có lợi nhuận. Khi đó, dường như cả công ty lẫn ngành
đều không phải là nơi thích hợp nhất để nghiên cứu và phân tích căn
nguyên của sự tăng trưởng có lợi nhuận. Nhất quán với nhận xét này,
nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chính những hành động chiến lược, chứ
không phải công ty hay ngành, mới là nơi phù hợp để giải thích cho việc
hình thành những đại dương xanh và duy trì được kết quả hoạt động tốt.
Một bước đi chiến lược là một tập hợp những hành vi và quyết định quản lý
liên quan đến việc tung ra những sản phẩm dịch vụ tạo ra thị trường lớn.
Chẳng hạn như Compaq đã được HP mua lại vào năm 2001 và không còn
là một công ty độc lập. Như vậy, nhiều người có thể coi Compaq là không
thành công. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi hiệu lực của những bước
đi chiến lược đại dương xanh mà Compaq đã thực hiện trong việc tạo ra
ngành kinh doanh máy chủ. Những bước đi chiến lược này không chỉ là
một yếu tố dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của Compaq giữa thập kỷ 1990
mà còn mở ra một khoảng thị trường mới trị giá hàng tỷ đô la trong ngành
tin học.
Phụ lục A, "Phác thảo mô hình lịch sử hình thành đại dương xanh", đưa
ra một cái nhìn tổng quan về lịch sử của 3 ngành kinh doanh tiêu biểu ở
Mỹ, rút ra từ cơ sở dữ liệu của chúng tôi: ngành công nghiệp ô tô - cung
cấp phương tiện đưa chúng ta tới nơi làm việc; ngành công nghiệp máy tính
- cung cấp phương tiện làm việc; và ngành điện ảnh - nơi chúng ta tới giải
trí sau giờ làm việc. Như được chỉ ra trong Phụ lục A. người ta không thấy
một công ty hay một ngành nào toả sáng vĩnh viễn. Nhưng dường như có
một sự tương đồng trong những hành động chiến lược đã góp phần tạo ra
những đại dương xanh dẫn tới những con đường mới cho sự tăng trưởng
mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận cho những ngành và công ty nghiên cứu.