Dù phải nhỏ lệ khi vẫy tay từ giã…
[1]
Ngay mỗi khi vừa hết phiên trực buổi trưa, chàng thường chui vào căn
phòng tối om khoá chặt cửa lại ngồi một mình bên trong, lấy đĩa hát ra vặn
đi vặn lại cho đến giờ cơm chiều. Ryuji luôn luôn vặn cho tiếng hát thực
nhỏ vì chàng không muốn ai nghe chung với mình hết; hơn nữa chàng còn
sợ các bạn đồng liêu có thể mò vào tán gẫu nếu chẳng may họ nghe thấy
tiếng hát trong phòng bay ra. Những người khác trong thuỷ thủ đoàn biết
khi nghe nhạc, chàng sung sướng ra làm sao nên chẳng có ai đến quấy
nhiễu chàng cả.
Đôi khi, trong lúc lắng nghe bài hát hoặc khe khẽ ngân nga lời ca,
chàng lại thấy nước mắt cứ tràn lên đôi mi y như trong những bài thơ trữ
tình vậy. Kể cũng kì quái thực! Một người đàn ông chẳng có hệ luỵ gì sao
lại có thể động lòng thương cảm với một “phố cảng xa xôi” cho đến thế.
Tuy nhiên nước mắt đã trào ra từ một nơi chốn tăm tối xa xôi mềm yếu
trong chính thân chàng, cái bộ phận mà chàng đã suốt đời buông thả không
sao kiềm chế nổi.
Phong cảnh thực sự của đất liền khi lui dần về phương xa đã chẳng bao
giờ làm cho chàng nhỏ lệ. Hải cảng, bến tàu, sạn kiều, cần trục và các mái
nhà kho lặng lẹ lướt qua, chàng ngắm nhìn tất cả với con mắt khinh khi rõ
rệt. Đã có thời những chuyến ra đi từng nhóm lên trong con người chàng
một ngọn lửa nhưng nay, hơn mười năm lênh đênh, biển cả đã giập tắt
những ngọn lửa ấy rồi. Chàng chỉ còn có được đôi mắt tinh anh sắc sảo dạn
ánh mặt trời.
Ryuji đã từng đứng canh, đi ngủ, thức dậy rồi lại đứng canh, đi
ngủ và thức dậy nữa. Lòng chàng tràn ngâp những tình cảm không sao giãi
tỏ được, trữ kim trong ngân hàng cứ gia tăng đều đều vì chàng đã quyết tâm
là càng sống cô độc bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Chàng đã trở nên thành
thạo trong việc đo góc tìm hướng mặt trời, quen thuộc với những đám mây
vùng nhiệt đới chập trùng rực sáng và những vùng biển san hô muôn vẻ
muôn màu. Số tiền để dành trong ngân hàng của chàng đã lên tới ngót nghét
hai triệu yen, một món tiền khác thường đối với một nhị đẳng phó quan
hàng hải.