"Được thôi, nhưng có mấy thứ mấy năm nay tôi dùng cũng hỏng hóc, vứt
bỏ mất rồi..." Tôn sư phụ dẫn bọn họ ra phía sau, ngồi xuống mở hòm đồ
nghề ra, lần lượt lấy từng thứ bên trong bày xuống đất.
Hoàng Tử Hà nhìn qua một lượt những thước lỗ ban, ống mực, dây gai... đã
cũ, rồi dừng ở mấy miếng keo ong(*) : "Thợ mộc cũng dùng thứ này ư?"
(*) : Hỗn hợp gồm một loại nhựa cây trộn với chất tiết ra từ tuyến nước bọt
của ong. Ong sử dụng loại keo này để trát kín tổ, qua đó giúp bảo quản mật
ong, bảo vệ sự phát triển của ấu trùng và trứng khỏi sự tấn công của vi rút
cũng như bảo vệ bản thân ong khỏi sự tấn công của các loài chuột bọ.
"Đúng vậy, tôi cũng lấy làm lạ, hơn nữa miếng keo ong này chẳng dính
mấy, hình như có lẫn mùn cưa." Tôn sư phụ giải thích, "Lúc tôi mới ra
nghề, sư phụ từng nói có những thợ mộc tay nghề kém, ghép mộng không
khớp, lung lay như răng bà lão, đành phải trét keo ong vào mối ghép để lừa
khách. Như vậy lúc khách mới lấy về thì vững chãi, nhưng dùng ít lâu keo
ong long ra, mộng ghép không chắc, nhẹ thì bàn ghế lung lay, nặng thì đổ
sập. Sư phụ bấy giờ còn
kiêu hãnh nói, từ lúc ra nghể đến giờ là ba mươi năm, chưa bao giờ dùng
đến keo ong!"
Hoàng Tử Hà giơ ngón tay chạm nhẹ vào miếng keo ong, để qua vài năm,
trời lại rét buốt, miếng keo đã cứng lại thành một cục đen sì cứng ngắc, lẫn
nhiều mùn cưa, trông rất khó coi.
Chu Tử Tần nhận xét: "Xem ra Hoắc sư phụ tay nghề cũng không ổn lắm,
làm bấy nhiêu năm mà vẫn phải dùng loại keo ong này."
Tôn sư phụ giận dữ phản bác: "Không có chuyện đó! Tay nghề sư phụ vô
cùng khéo léo, chưa bao giờ có vấn đề! Có lẽ ông ấy dùng vào việc khác
thôi!"
"Còn dùng vào việc gì được nữa? Trên miếng keo nhiều mùn cưa thế này,
thoạt nhìn đã biết là dùng để dán gỗ rồi." Chu Tử Tần vặc lại.