được tình cảm chủ nghĩa. Năm lần liền tù tì như thế mới thôi. Phải đếm thì
mới nhớ. Sau quả thứ nhất đếm một, sau quả thứ nhì đếm hai. Đếm to vào
cho tao. Đếm mà lên tinh thần. Đếm mà uy hiếp đối phương. Đếm cũng
làm thằng mất dạy sợ không khác gì đấm. Con bé báo chí nói thao thao,
vừa nói vừa giơ nắm tay đấm vào không khí. Con bé bạn tôi thích chí, vỗ
tay đôm đốp. Cả hai đứa đồng thanh cho chúng nó đi cùng, chúng nó sẽ
giúp tôi xử lý thằng mất dạy. Một đứa sẽ giữ tay, một đứa sẽ giữ chân cho
tôi đấm năm đấm đích đáng vào mặt, cái xương bã mía phải bị xử lý hoàn
toàn thì chúng nó mới yên tâm ra về. Chúng nó tỏ ra không tin tưởng ở tôi.
Chúng nó nhìn tôi ái ngại. Chúng nó nhặt mấy lá xà lách xong nhường cả
hai suất ăn cuối cùng cho tôi. Tôi không động đến. Suất của tôi cũng còn
nguyên. Chúng nó nhìn tôi ái ngại. Chúng nó bổ một quả dưa bở nữa, nhai
roàm roạp hết một nửa, nửa kia chia cho hành khách xung quanh mỗi người
một miếng. Cô chiêu đãi viên cũng được một miếng, vừa ăn vừa lắc đầu.
Bố mẹ tôi nhìn thấy tôi ở sân bay cũng lắc đầu. Bố tôi đùa hóa ra bơ sữa
Liên Xô cũng không hơn chè đỗ đen và óc lợn hấp nồi cơm Việt Nam. Mẹ
tôi quay trước quay sau xem có bạn trai nào mon men bên cạnh để tôi thẹn
thùng gọi lại, thẹn thùng giới thiệu, giới thiệu xong sẽ hẹn Chủ nhật qua
nhà chơi ăn chè đỗ đen. Mẹ tôi hy vọng năm năm đủ để tôi quên Thụy. Bố
tôi đùa tiếp cái va li phố Hàng Hòm thế mà bền ra phết. Mẹ tôi đợi mãi
chẳng có ai lại gần chào bác ạ để có dịp hỏi han học ngành gì, cái bằng
cũng màu đỏ chứ, có sắp quay lại làm chuyển tiếp sinh không, con cái nhà
ai, sắp vào làm việc ở bộ gì, trường đại học nào, Chủ nhật này ghé nhà hai
bác uống nước chanh nhé. Nửa tiếng hết đùa lại đợi trên sân bay, bố mẹ tôi
cũng chán. Bố tôi bảo đưa cái va li phố Hàng Hòm bố tôi xách cho. Mẹ tôi
bảo về nhà uống nước chanh, mẹ tôi đã mua hẳn một chục chanh để tôi
uống giải nhiệt, chè đỗ đen từ ngày tôi đi mẹ tôi không nấu nữa, mẹ tôi ngại
bóc vỏ kẹo mậu dịch. Cả dãy nhà tập thể đổ ra đón tôi. Cả dãy nhà tập thể
khen tôi năm năm chẳng thay đổi gì, từ cái va li phố Hàng Hòm đến đôi
dép quai hậu giả da cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội, từ mái tóc đến
đôi kính cận, từ nước da đến dáng người, từ chiều cao đến cân nặng, chỉ có
mỗi bộ quần áo là mới nhưng trông lại như đi mặc nhờ. Mẹ tôi phải mang