ngái, đỗ hầm nát như tương, và luôn phải ăn nóng, ăn nóng ngay cả vào
những ngày nóng nhất của Hà Nội. Mười năm học, tôi hiểu những bộ óc
lợn bố tôi xếp hàng từ sáng đến chiều mới mua được không phải để thưởng
cho một điểm mười văn mà để tôi tiếp tục ngày hôm sau mang về một điểm
mười lịch sử, một điểm mười tập quân sự. Bộ óc lợn vì thế không cần thìa
là, hạt tiêu, mì chính, cũng không cần thay đổi cách nấu, cách bày. Đến bây
giờ tôi vẫn nhớ những bộ óc lợn để trong bát nhôm cho vào nồi cơm hấp,
bao nhiêu muối vẫn thấy tanh, vẫn phải húp một hơi hết sạch. Tôi không
thích óc lợn hấp nồi cơm, tôi cũng không bị bệnh gì cần chữa bằng óc lợn
hấp nồi cơm, nhưng hai ngày một lần tôi nhắm mắt bịt mũi húp một hơi hết
sạch, vì nó rất bổ, đặc biệt bổ cho óc, nhất là óc trẻ con. Chè đỗ đen, óc lợn
hấp nồi cơm, tôi có nhiệm vụ chuyển chúng thành những điểm mười, thành
những lời khen trong học bạ: xuất sắc, chăm chỉ, chuyên cần, nghiêm túc,
rất có tương lai. Rất có tương lai là lời nhận xét bố mẹ tôi tâm đắc nhất. Rất
có tương lai có tác dụng giúp bố mẹ tôi ngày hôm sau tiếp tục hoàn thành
nhiệm vụ nấu chè đỗ đen và xếp hàng cả ngày mua óc lợn. Cứ như thế một
vòng tròn ân cần khép kín. Cứ như thế ba chúng tôi dính chặt lấy nhau bởi
chữ nhiệm vụ. Bố mẹ tôi chỉ đợi họp phụ huynh để đến dự, mỗi người một
sổ ghi chép, mỗi người một danh sách câu hỏi, bố tôi gặp các giáo viên tự
nhiên, mẹ tôi gặp các giáo viên xã hội. Các giáo viên thể dục, nữ công,
nhạc, họa, ném lựu đạn không rõ thuộc phạm trù tự nhiên hay xã hội thì
được cả hai cùng đến hỏi thăm. Giáo viên chủ nhiệm lần nào cũng dành cho
bố mẹ tôi một tiếng. Nửa tiếng đầu nghe bố tôi trao đổi về các nam sinh,
nghe mẹ tôi trao đổi về các nữ sinh. Nửa tiếng sau nghe cả bố tôi lẫn mẹ tôi
đề nghị xếp riêng cho tôi bàn chính giữa, hàng trên cùng. Bố tôi giải thích
để tôi được các thầy cô theo dõi từ bốn phía. Mẹ tôi giải thích để tôi không
bị nam sinh hay nữ sinh nào động vào tay, giẫm vào chân, nói thầm vào tai,
chọc thước kẻ vào gáy hay cóp pi bài kiểm tra. Mười năm học, tôi ngồi một
mình một bàn. Mười năm học, tôi chỉ biết con đường từ nhà đến trường.
Hết giờ học về nhà lại để ngồi vào bàn học tiếp. Giờ ra chơi cũng đứng một
góc ôn bài cho các tiết sau. Hết bài cho tiết sau thì ôn sang bài cho ngày
hôm sau. Ngày hôm sau nữa. Tôi không bao giờ được biết nhảy dây là gì,