nhượng. Mua xe rồi, tôi cũng không biết sử dụng nó vào việc gì. Đi làm thì
xin quên ngay lập tức vì nếu tắc đường trên xa lộ, tôi không thể mọc cánh
mà bay tới trường, để các đồng nghiệp của tôi lại có dịp rơi vào một cơn
stress tập thể, để lũ học trò lau nhau của tôi ngay tiết sau sẽ chặn tôi từ cửa
mà phê bình. Đi nghỉ thì tôi không biết đi đâu, đến nhà ai bây giờ, vùng nào
của Pháp cũng đẹp, vùng nào tôi cũng chỉ mới thấy qua bưu ảnh. Mười năm
trong ngành giáo dục vẫn chưa đủ cho tôi quen được các kỳ nghỉ bốn mùa.
Tôi không biết biển Normandie khác biển Địa Trung Hải ra sao, biển nào
có cá mập biển nào không, biển nào mặn biển nào đắng. Tôi không biết bao
giờ nên vào rừng nhặt nấm, nấm nào làm thực phẩm nấm nào làm thuốc
độc. Tôi cũng không biết tại sao người ta hì hụi trèo tít lên đỉnh núi để lại
mất công trượt xuống, để đổi lấy cơ hội gãy tay, bong đầu gối, vỡ động
mạch, nhồi máu cơ tim. Cuộc sống Pháp vẫn trừu tượng như hồi tôi mới
sang. Ở Ủy ban Di trú, người ta lắc đầu khi tôi thật thà bảo tôi muốn có
quốc tịch để khỏi phải xếp hàng từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, đóng
năm mươi euro mới được phép ở lại thêm mười một tháng hai mươi chín
ngày. Người ta lại lắc đầu khi tôi trả lời tôi và thằng Vĩnh không nói chuyện
với nhau bằng tiếng Pháp, không biết tay nào cầm dao tay nào cầm dĩa,
không trang trí cây thông vào dịp cuối năm dương lịch cũng không đi dự dạ
hội Tết cổ truyền với đồng hương ở hội trường Maubert. Người ta lắc đầu
liên tục. Người ta tiễn tôi ra cửa, bắt tay rồi nói thôi cố lên nhé. Hàng năm
tôi vẫn xin nghỉ một ngày để đến bến tàu điện ngầm Cité, chui vào cái
thang máy khổng lồ theo đoàn người rồng rắn tiến về Sở Công an. Mười
năm nay, tôi thuộc mặt hầu hết các nhân viên của phòng gia hạn thẻ cư trú.
Một cô rất trẻ, chân dài, tay đeo nhiều nhẫn. Lần cuối cùng tôi gặp thấy đeo
thêm cái nhẫn cưới. Một cô mặt vuông, tóc tém, không bao giờ cười. Có vẻ
là trưởng phòng. Có vẻ không tiếp ai. Một cô rất khó đoán tuổi, tóc quăn,
lần nào đến cũng thấy mặc áo thun ngắn tay màu trắng. Cô ấy đã tiếp tôi
lần đầu tiên năm tôi mới sang. Cô ấy bảo tôi có giấy tờ gì bỏ hết ra đây,
giọng thẫn thờ, mi mắt trên chỉ chực rơi xuống. Tôi sợ. Tôi đau bụng. Từ
ngày ở Hà Nội, tôi đã có thói quen đau bụng mỗi khi đến bệnh viện và lên
gặp công an. Tiếng Pháp của tôi hồi ấy khổ sở lắm nên tôi càng đau bụng.