mang cho con bé con hai hộp bánh đậu xanh Rồng Vàng, bế nó nửa tiếng,
bón cho nó nửa bát cơm, xong lại đi.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ vợ. Bà cũng là người duy nhất trong
gia đình đến thăm Loan. Tôi gợi ý cô ấy mang con bé con về chơi Hải
Dương. Để nó biết mùi vải thiều. Loan vừa cười vừa bảo bao giờ tranh tôi
lên giá một nghìn đô, nhà có ô tô thì về một thể, chở hẳn hai sọt vải thiều
ra Hà Nội ăn dần.
Tôi không hiểu Loan nói thật hay nói đùa. Tôi không bao giờ hiểu
Loan nói thật hay nói đùa. Cô ấy rất giỏi vừa nói vừa cười. Cô ấy có tài
làm người khác chột dạ. Các chủ gallery và các anh nhà báo cũng nhiều
khi chột dạ. Loan bảo đấy cũng là phương pháp quảng cáo. Tôi cũng chột
dạ khi nghe Loan nói tranh tôi có ngày lên giá một nghìn đô. Loan theo dõi
thị trường tranh Việt Nam như các doanh nghiệp Việt Nam theo dõi thị
trường đô la quốc tế. Thứ Bảy hàng tuần, cô ấy mặc váy, đeo kính râm đi
khảo sát tình hình gallery Hà Nội. Loan gọi đấy là mác két tinh. Chủ nhật,
cô ấy ngồi nửa ngày lên danh sách những thứ tôi phải vẽ cho tuần tới.
Loan gọi đấy là đơn đặt hàng.
Những năm đầu, có lúc trong nhà chật ních tĩnh vật, có lúc Tháp Rùa
lại xếp thành mấy hàng, rồi trừu tượng chạy cả vào bếp nằm giữa nồi niêu
xoong chảo, rồi hoàng hôn trên biển đoàn thuyền đánh cá tấn công các
gậm giường, gậm bàn, gậm ghế, gậm tủ, gậm chạn.
Thời ngây ngô cũng qua rất nhanh, y hệt như cái buổi sáng Loan gọi
điện cho ba chục quán cà phê toàn Hà Nội đến khuân ba tiếng hết sạch cả
tĩnh vật lẫn Tháp Rùa lẫn trừu tượng lẫn đoàn thuyền đánh cá. Thời thơ
ngây cũng qua rất nhanh, tranh của tôi bắt đầu được các gallery nhơ nhỡ
để mắt tới, được các anh nhà báo nhơ nhỡ viết cho vài bài, được các khách
du lịch nước ngoài nhơ nhỡ mua về trang trí phòng khách.
Sáng thứ Hai, trước khi đi làm, bao giờ Loan cũng tự tay pha cho tôi
một tách cà phê, rồi lại tự tay đưa cho tôi cái đơn đặt hàng cô ấy lên hôm
trước. Từ hai năm nay hợp đồng của chúng tôi là hai ngày một tranh. Tôi
có nhiệm vụ sản xuất. Loan có nhiệm vụ chuyển nó thành đô la.