Chương 4
Có một điểm liên quan đến vấn đề vừa được bàn đến ở trên: Liệu đức tính
của một người tốt và một công dân tốt có giống nhau hay không? Nhưng
trước khi thảo luận vấn đề này, ta phải có được một số khái niệm tổng quát
về đức tính của công dân. Cũng như một người thuỷ thủ, công dân là thành
viên của một cộng đồng. Những thuỷ thủ có những chức năng khác nhau;
người này thì chèo, kẻ kia thì lái, người này thì quan sát khí tượng hay các
thuyền bè khác, kẻ khác thì được gọi bằng chức năng mà họ được giao phó.
Dù tên chính xác để chỉ đức tính của mỗi thuỷ thủ là do chức năng riêng
của mỗi người, nhưng cũng có một định nghĩa chung dùng cho tất cả mọi
người. Bởi vì tất cả cùng có chung một mục tiêu là thực hiện cuộc hải trình
được an toàn. Tương tự như vậy, công dân này thì khác với công dân kia,
nhưng mục đích chung là sự an toàn của cộng đồng. Cộng đồng này chính
là cơ cấu chính trị; đức tính của công dân, do đó, phải liên quan đến cơ cấu
chính trị mà họ là thành viên. Vậy thì, nếu có nhiều hình thức chính quyền,
thì hiển nhiên, đức tính của một người công dân tốt sẽ không thể nào được
xem là tuyệt đối; trong khi đó, một người được gọi là tốt phải có đức tính
mà ai cũng phải công nhận. Như thế, một người công dân tốt không nhất
thiết phải có những đức tính của một người tốt.
Ta cũng có thể lý giải vấn đề này theo một hướng khác, đó là xét từ quan
điểm của một cơ cấu chính trị tuyệt hảo. Nếu một nhà nước không thể được
tạo nên bởi tất cả những người tốt, nhưng mỗi công dân thực hiện thật tốt
nhiệm vụ được giao phó, thì nhà nước đó vẫn được coi là tốt; nhưng bởi vì
tất cả các công dân không thể nào giống nhau, do đó, đức tính của người tốt
và của công dân không thể trùng nhau. Tất cả mọi người phải có đức tính
của người công dân tốt, thì khi đó, và chỉ khi đó, nhà nước mới được coi là
tuyệt hảo; nhưng không hẳn tất cả mọi người sẽ có đức tính của người tốt,