góp một trăm đồng. Theo Aristotle, cả hai lập luận trên đều sai lầm vì cả
hai phe đều đưa ra nhận định và phán xét dựa trên quyền lợi của mình. Và
Aristotle đã nói một câu bất hủ: “Mọi người, như một quy luật, đều là
những quan toà không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến
quyền lợi riêng tư của mình” (C.9, §2). Thêm vào đó, nhận định sai lạc của
hai phe nằm ở chỗ không nắm vững mục tiêu tối hậu của nhà nước. Quốc
gia không phải chỉ là một tập hợp của dân chúng cư ngụ trên cùng một lãnh
thổ, hay là nơi để dân chúng buôn bán giao dịch dễ dàng với nhau, hay để
cùng chống lại những hiểm hoạ. Tất cả những điều này cần, nhưng chưa
đủ, vì chỉ có thể tạo nên đời sống xã hội chứ chưa tạo thành một quốc gia.
Mục đích tối hậu của quốc gia là hướng tới một đời sống “tốt,” và các mối
dây ràng buộc xã hội chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích này mà thôi
(§13). Do đó, những ai, qua tài năng và hành động của mình, cống hiến
nhiều cho quốc gia, thì sẽ được hưởng nhiều vinh dự hơn (§15). Đây là lý
thuyết phân bố công lý gọi là bình đẳng theo tỷ lệ, và dựa trên tài năng.
Qua đây, Aristotle bác bỏ lập luận xây dựng quốc gia dựa trên giai cấp xã
hội.
Trong Chương 10, Aristotle bàn đến một vấn đề quan trọng cho việc tổ
chức quốc gia. Đó là thành phần nào sẽ nắm quyền tối thượng: dân nghèo,
dân giàu, thành phần ưu tú, một người có tài năng kiệt xuất, hay một bạo
chúa? Nếu thành phần đa số - không kể thành phần đó giàu hay nghèo - tịch
thu của cải của thành phần thiểu số để chia cho nhau, thì đất nước sẽ bị tiêu
huỷ. Nếu thành phần ưu tú nắm quyền, thì đa số còn lại sẽ không có cơ hội
để tham chính và giữ trọng trách trong chính quyền. Nếu chỉ có một người
cai trị, thì tuyệt đại đa số sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tham chính. Và
Aristotle đưa ra một đề nghị là “Pháp trị,” tức là hãy để luật pháp, chứ
không phải con người có quyền tối thượng, vì con người luôn luôn để tư lợi
và tình cảm xen vào.
Trong các chương còn lại của Quyển III, từ Chương 11 đến 18, Aristotle
phân tích sự lợi hại của “Nhân trị” và “Pháp trị.” Aristotle ghi nhận rằng,