Quyển VII. Lý tưởng chính trị và
nguyên lý về giáo dục
CHƯƠNG 1
Những ai muốn tìm hiểu mô hình chính quyền nào là mô hình tốt đẹp nhất,
trước hết, phải xác định xem một cuộc đời đáng sống nhất là một đời sống
như thế nào. Khi ta còn chưa biết chắc về điều này, thì ta cũng không biết
chắc được cái mô hình chính quyền nào là tốt đẹp nhất. [Tuy nhiên,] trong
trật tự của thiên nhiên, ta có thể đoán được những người sống một đời sống
tốt đẹp là những người được sống trong một chính thể tốt đẹp nhất mà hoàn
cảnh cho phép. Do đó, trước hết, ta nên xác định thế nào là một cuộc đời
đáng sống, và xét xem một đời sống như vậy có phải là một đời sống tốt
đẹp nhất cho cả cá nhân và chế độ hay không?
Trong những phần thảo luận bên ngoài Học viện, ta đã bàn về những yếu tố
tạo nên một đời sống tốt đẹp nhất; ở đây chỉ xin nhắc lại sơ lược. Chắc
chắn ai cũng đồng ý rằng, để có một đời sống tốt đẹp, con người cần có ba
“cái tốt” – vật chất, thể chất, và tinh thần. Chắc chắn rằng, chẳng ai có thể
nói mình là người hạnh phúc mà lại nhút nhát đến nỗi sợ cả một con bọ bay
qua, hay thiếu tiết độ và khôn ngoan mà phạm vào tội ác chỉ để thoả mãn
lòng ham mê ăn uống, hay hy sinh cả người bạn thân thiết vì những lợi ích
cỏn con, hay có một thể chất và tâm tính yếu nhược như một đứa bé. Hầu
như ai cũng công nhận những điều này, nhưng con người khác nhau về mức
độ hoặc xếp những giá trị này có cao có thấp. Có người nghĩ rằng, chỉ cần
một phần đạo đức vừa phải thôi là đủ rồi mà chẳng đếm xỉa gì đến việc giới
hạn lòng ham muốn của cải, tài sản, danh vọng, quyền lực, v.v... Đối với
những người này, ta chỉ cần đưa ra những sự thật mà ai cũng công nhận; đó
là, người ta không có đức hạnh hay không giữ được đức hạnh bằng vật chất