CHƯƠNG 5
Liên quan đến âm nhạc, có vài vấn đề ta đã nêu lên trong những chương
trước; nay ta có thể trở lại và khai triển thêm; những nhận định này sẽ mở
đầu phần thảo luận của chúng ta về đề tài này. Xác định được bản chất của
âm nhạc không phải là một điều dễ dàng, cũng như trả lời câu hỏi tại sao ta
phải học nhạc? Có một số người cho rằng, chẳng phải mục đích của âm
nhạc là để tiêu khiển và thư giãn, giống như một giấc ngủ hay uống rượu,
tự nó chẳng đem lại điều gì tốt, nhưng làm cho ta thoải mái và cùng lúc
“quên đi rắc rối cuộc đời” như thi sĩ Euripides đã từng nói hay sao? Cũng
vì vậy, người ta xếp âm nhạc giống như ngủ nghê và uống rượu, có người
còn thêm cả nhẩy nhót vào cho đủ. Hay là ta sẽ lập luận rằng, âm nhạc dẫn
đến việc hình thành đức hạnh, vì âm nhạc có thể uốn nắn được tâm trí và
làm cho ta cảm được niềm vui thú thực sự, tương tự như những bắp thịt
trong cơ thể của ta được môn thể dục thể thao đào luyện? Hay là theo quan
niệm thứ ba cho rằng, âm nhạc góp phần làm cho sự thư nhàn được vui thú
hơn và cũng rèn luyện tâm trí nữa? Nhưng ta cũng thấy rõ, không nên dạy
cho trẻ con môn học chỉ để làm cho chúng vui thú, vì sự học không phải là
vui thú, mà đi kèm với khó nhọc và công sức. Trẻ con cũng chưa thích hợp
với việc học nhằm đạt đến niềm vui của sự hiểu biết, vì trí óc của chúng
chưa phát triển đến mức đó. Khi khả năng chưa phát triển đầy đủ và còn
thô thiển, ta khó lòng đạt được đến mức độ tuyệt hảo hay mục đích tối hậu
[trong trường hợp này, sự mở mang trí tuệ là niềm vui và là mục đích của
việc học]. Có người lại cho rằng, có lẽ ta nên cho trẻ con học nhạc để
chúng biết thưởng thức và tiêu khiển khi thành người lớn. Nếu nói như vậy,
tại sao chúng phải tự mình học mà không như những ông hoàng Ba Tư hay
vua xứ Media, chỉ cần thưởng thức âm nhạc do những nhạc công chơi?
(Chắc chắn những nhạc công nhà nghề phải chơi nhạc hay hơn những
người chỉ học vừa đủ). Nếu trẻ em bị buộc phải học nhạc theo kiểu này, thì
cùng một lý luận, chúng cũng phải học nấu nướng, một kết luận ngớ ngẩn.