Vì âm nhạc là một niềm khoan khoái và đức hạnh gồm có sự hân hoan,
yêu, ghét đúng cách và đúng chỗ, cho nên, không có gì đáng cho ta quan
tâm hơn là tích luỹ, rèn luyện được khả năng phán đoán đúng đắn, cũng
như cảm nhận được sự hân hoan trong những hành động cao nhã và tâm
hồn cao thượng. Tiết điệu và âm điệu của âm nhạc mô phỏng được sự dịu
dàng và phẫn nộ, cũng như sự can đảm và tự chủ, cũng như tất cả những
tính cách tương phản với những đức tính này, những tính cách rất giống
những tình cảm thực sự ta từng cảm nhận được, vì khi nghe những âm điệu
như vậy, tâm hồn ta cũng thay đổi theo.
Cái tập quán cảm nghiệm vui thú hay đau khổ khi nhìn ngắm những biểu
tượng không khác gì với cảm xúc khi nhìn ngắm thực tế; thí dụ, nếu ta cảm
thấy thích thú khi nhìn ngắm vẻ đẹp bức tượng của ai đó, ắt ta sẽ phải thích
thú khi nhìn thấy người thật. Đối tượng của những giác quan khác, như xúc
giác hay vị giác, có sự tương đồng với những phẩm chất đạo đức; trong
những vật thể quan sát được, chỉ có một chút tương đồng với phẩm chất
đạo đức, vì có những hình thể chứa đựng tính chất đạo đức, nhưng chỉ tới
một chừng mực nào thôi, và tất cả đều không dự phần vào sự tạo nên tình
cảm. Tóm lại, hình ảnh và màu sắc không phải là sự mô phỏng, nhưng là
dấu hiệu của những tập quán đạo đức, những chỉ dấu tình cảm mà cơ thể
biểu hiện.
Mối quan hệ giữa những cảm xúc này với đạo đức cũng không sâu xa gì
lắm, nhưng nếu có một chút quan hệ nào đó, thì những thanh niên của
chúng ta nên được dạy để xem, không chỉ những tác phẩm của Pauson,
nhưng còn của Polygnotus, hoặc tác phẩm chuyên chở những ý tưởng đạo
đức của những hoạ sĩ hay điêu khắc gia khác. Mặt khác, trong cả những âm
điệu bình thường, cũng có sự mô phỏng của đức tính, vì những thể điệu của
âm nhạc từ bản chất đã khác nhau, cho nên người nghe cũng bị ảnh hưởng
một cách khác nhau. Có những thể điệu làm cho người ta sầu thảm, như thể
điệu Mixolydian, những thể điệu khác làm tâm trí bị suy nhược, như những
thể điệu thư giãn, có những loại tạo nên tính khí ổn định và chừng mực,