CHÍNH TRỊ LUẬN (THE POLITICS) - Trang 45

Chương 9

Nhưng có một hình thức khác của nghệ thuật tích luỹ tài sản rất thông
thường và đáng được gọi là nghệ thuật làm giàu. Chính nghệ thuật này đã
khiến cho người ta có ý tưởng là sự giàu có và tài sản là vô giới hạn. Rất
nhiều người đồng hoá nghệ thuật làm giàu này với nghệ thuật tích luỹ tài
sản đã nói ở trên vì chúng đều có liên quan đến tài sản, nhưng dù hai nghệ
thuật này không khác nhau gì mấy, chúng lại không giống nhau. Loại nghệ
thuật nói ở trên là do tự nhiên mà ra, loại thứ hai là do kinh nghiệm mà có.

Ta hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm sau đây:

Tất cả vật chất mà ta có đều có hai khả năng sử dụng: cả hai cách này đều
từ bản thân vật đó mà ra, nhưng không giống nhau về cách thức sử dụng;
có cách sử dụng đúng cách, và cách kia được coi là không đúng hay còn
được coi là cách phụ thuộc. Thí dụ, một chiếc giày được dùng để đi, nhưng
cũng có thể được dùng để trao đổi lấy vật khác; đó là hai cách sử dụng của
chiếc giày. Kẻ đem chiếc giày đi đổi lấy tiền hay thực phẩm với kẻ cần
chiếc giày thì cũng sử dụng chiếc giày đấy chứ, nhưng cách sử dụng đó
không đúng cách hay dùng đúng mục đích căn bản của chiếc giày, vì giày
được làm ra để đi chứ không để trao đổi. Điều này cũng đúng với tất cả các
loại tài sản khác, vì mọi thứ đều có thể được trao đổi, và xảy ra cũng tự
nhiên vì có người có quá nhiều, kẻ lại có quá ít không đủ cung ứng cho nhu
cầu của họ. Như thế, ta có thể suy ra rằng việc buôn bán [hàng hoá để lấy
lợi nhuận] không phải là bộ phận tự nhiên của nghệ thuật tích luỹ của cải,
bởi vì [nếu mục đích chính theo tự nhiên của việc tích luỹ tài sản là để cung
ứng cho nhu cầu của mình, thì] người ta sẽ thôi không buôn bán nữa khi đã
có đủ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.