tích luỹ của cải và buôn bán đều dính dáng đến tiền bạc. Những người khác
lại cho rằng tiền bạc là vật giả tạo, do quy ước tạo nên, chứ không phải tự
nhiên, vì lẽ nếu người sử dụng dùng một sản vật khác thay thế, thì tiền bạc
sẽ trở thành vô dụng vì nó không phải là một phương tiện có ích gì cho nhu
cầu của cuộc sống. Thật thế, những kẻ có nhiều tiền vẫn có thể thiếu những
thực phẩm cần thiết. Thế thì đó có phải là của cải không khi một người có
rất nhiều mà vẫn phải chết vì đói, như vua Midas trong truyện ngụ ngôn,
người đã xin thần thánh biến tất cả mọi thứ ông đụng vào thành vàng?
Vì vậy khi người ta cố tìm xem có một ý niệm nào đúng hơn giữa sự giàu
có và nghệ thuật tích luỹ tài sản với việc tích luỹ tiền bạc, thì đó là một việc
làm đúng đắn. Bởi vì sự giàu có và nghệ thuật tích luỹ tài sản theo tự nhiên
khác với nghệ thuật buôn bán; một đằng là một bộ phận của sự quản trị gia
đình, còn buôn bán là nghệ thuật sản xuất ra của cải qua sự trao đổi sản vật.
Nghệ thuật này chỉ chú trọng đến tiền bạc, vì tiền là đơn vị trao đổi và cũng
để đo lường hay ấn định giới hạn của tài sản. Như thế, đối với nghệ thuật
làm giàu qua tiền bạc, thì quả là không có giới hạn. Nếu như trong nghề
thuốc không có giới hạn trong việc tìm ra phương thức bảo vệ sức khoẻ,
hay trong các nghề khác không có giới hạn trong việc đạt tới mức tối đa
mục đích của các nghề đó, thì trong nghệ thuật làm giàu, mục đích của nó
cũng không có giới hạn, mục đích này gồm có sự giàu có giả tạo và tích luỹ
của cải. Nhưng trong nghệ thuật tích luỹ của cải trong hộ gia đình có một
giới hạn, vì tích luỹ của cải vô giới hạn không phải là mục đích của nghệ
thuật này. Theo quan điểm này, do đó, tất cả mọi sự giàu có đều phải có
giới hạn; tuy nhiên, trong thực tế, dường như điều trái ngược lại là điều
đang xảy ra, vì không có giới hạn cho những kẻ làm giàu tăng gia tiền bạc.
Nguồn gốc của sự nhầm lẫn này nằm ở quan hệ mật thiết giữa hai loại tích
luỹ tài sản; trong cả hai loại, phương tiện thì giống nhau, nhưng cách sử
dụng và mục đích lại khác nhau, và điều này tạo ra sự nhầm lẫn: tích luỹ tài
sản là mục đích của loại thứ nhất, còn đối với loại kia còn một mục đích xa
hơn. Vì thế một số người lầm tưởng rằng làm giàu là mục đích của quản trị