Chương 3
Nhưng, giả sử rằng việc đạt được mức độ thuần nhất cao nhất sẽ đem lại cái
tốt nhất cho quốc gia, thì sự thuần nhất này cũng không chứng minh được
là phát xuất từ công thức “Tất cả mọi người đều có thể, cùng một lúc, gọi
cái này hay người này là ‘của tôi,’ hay ‘không phải của tôi;’” một công
thức mà Socrates cho là thể hiện sự thuần nhất tuyệt hảo trong một quốc
gia. Vì từ ngữ “tất cả” là một từ mơ hồ. Nếu nó có nghĩa là mỗi cá nhân nói
rằng ‘của tôi và ‘không phải của tôi cùng một một lúc, thì có lẽ kết quả mà
Socrates mong muốn có thể đạt được ở một mức độ nào đó; thí dụ mỗi
người gọi cùng một đứa trẻ là ‘con của tôi’ và cùng một người phụ nữ là
‘vợ của tôi,’ và ‘tài sản của tôi’ hay tất cả những gì thuộc về người đó. Điều
này, tuy nhiên, lại không phải là cách người ta gọi vợ chung, con chung hay
tài sản chung; họ sẽ gọi “tất cả” hiểu theo nghĩa tập thể, chứ không thể hiểu
theo nghĩa cá thể. Do đó, hiển nhiên có một sự nguỵ biện trong từ “tất cả,”
hay trong từ “cả,” “chẵn,” hay “lẻ.” Những từ này đều mơ hồ, và ngay cả
trong lập luận trừu tượng cũng trở thành một bài tính đố về luận lý. Nếu tất
cả mọi người gọi cùng một vật là “của tôi,” hiểu theo nghĩa mỗi người là sở
hữu chủ, thì ta có thể chấp nhận được, nhưng điều đó thiếu thực tế; còn nếu
hiểu theo nghĩa khác (tài sản tập thể), thì sự thuần nhất này không dẫn đến
sự hài hoà.
Chưa hết, đề nghị biến tất cả thành “của chung” còn gặp một khó khăn
khác. Đó là, cái gì mà thuộc của chung của nhiều người, thì cái đó lại càng
có ít người quan tâm bảo quản. Mọi người đều chỉ lo cho bản thân họ, và
hầu như chẳng đếm xỉa gì đến lợi ích chung; còn nếu họ quan tâm đến
quyền lợi chung thì cũng chỉ vì đụng chạm đến quyền lợi riêng của họ.
Thêm vào đó, con người có khuynh hướng xao lãng nhiệm vụ mà họ nghĩ
là sẽ có người khác chu toàn. Đó là điều ta thường thấy trong sinh hoạt gia
đình: càng nhiều người thì lại càng ít hiệu quả hơn ít người. Mỗi công dân