Chương 4
Còn có những tội ác khác mà những tác giả cổ xuý cho cộng đồng chung
vợ chung con khó lòng ngăn cản; đó là những tội ác bạo hành, cưỡng hiếp,
sát nhân (ngộ sát hay cố sát), cãi cọ, vu cáo nhau. Những tội ác này là
những tội ác đáng bị nguyền rủa nếu do người nào đó gây ra cho cha mẹ,
anh em hay họ hàng của họ; nhưng nếu gây ra cho người dưng, thì không
đến nỗi bị nguyền rủa. Hơn nữa, tội ác càng dễ xảy ra hơn nếu người ta
không biết ai là bà con của mình, và khi tội ác đã xảy ra thì những biện
pháp trừng phạt theo tập quán (như phạm tội giết cha chẳng hạn) sẽ khó
được thi hành, vì can phạm đâu có biết người đó là cha mình! Thêm nữa,
lập luận của Socrates cũng lạ lùng thay khi đã biến tất cả con cái thành của
chung, lại chỉ cấm những kẻ yêu nhau không được có quan hệ xác thịt,
nhưng cho phép tình yêu và những sự thân thiết giữa cha và con trai hay
giữa anh em trai (rất dễ dàng xảy ra vì không ai biết mình có bà con với ai).
Những quan hệ thân thiết và tình yêu kiểu này nếu được cho phép thì cũng
là những hành vi thiếu đứng đắn giữa những người đàn ông lớn tuổi và
thanh niên. Thật cũng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Socrates cấm giao hợp
giữa người nam với nhau chỉ vì sự bạo hành gây ra bởi khoái lạc, chứ
không phải vì họ có quan hệ gia tộc với nhau.
Cộng đồng vợ chung, con chung này dường như thích hợp cho quần chúng
nông dân hơn là cho giai cấp cai trị, vì mối quan hệ vợ chung, con chung sẽ
tạo ra sợi dây liên lạc gia đình lỏng lẻo, và do đó sẽ dễ dạy người dân hơn
và họ sẽ ít làm loạn hơn. Nói cách khác, kết quả của luật lệ này sẽ trái
ngược với những gì mà luật lệ đúng cách sẽ tạo nên, và ý định của Socrates
khi tổ chức xã hội có vợ chung con chung sẽ vì đó mà thất bại. Vì ta tin
rằng tình liên đới anh em trong một xã hội là vốn quý giá nhất của quốc gia
và giúp ngăn ngừa các cuộc nổi dậy. Chính Socrates và tất cả mọi người
đều ca ngợi sự đoàn kết của quốc gia là một lý tưởng cần nhắm tới, và sự