đoàn kết này chính là kết quả của tình liên đới anh em. Nhưng, sự đoàn kết
mà Socrates ca ngợi lại giống như tình yêu của những kẻ yêu nhau được
mô tả trong tác phẩm Symposium; trong tác phẩm này, nhân vật
Aristophanes kể rằng có hai kẻ yêu nhau quá mức và muốn trở thành một.
Kết quả của tình yêu nồng cháy là cả hai cùng biến mất để trở thành một
thực thể mới, hay một kẻ phải huỷ mình đi để nhập thân vào kẻ kia. Khi mà
một quốc gia có vợ chung, con chung, tình yêu gia đình sẽ nhạt nhẽo; người
cha không thể đoan quyết ai là con mình, và con cái cũng chẳng biết ai là
cha mình. Cũng giống như một chút rượu mùi được pha thêm nước lã sẽ
chẳng còn mùi vị gì nữa, trong cộng đồng xã hội kiểu này cũng vậy, cái ý
tưởng về mối quan hệ được thiết lập theo kiểu này sẽ biến mất, vì chẳng có
lý gì mà kẻ “được gọi là cha” lại phải lo lắng cho đứa trẻ “được gọi là con”
hay ngược lại; tình nghĩa anh em cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa hết. Trong
hai phẩm chất tạo nên sự kính trọng và mến thương - điều gì đó thuộc về ta
và chỉ thuộc về ta thôi - không thể hiện hữu trong một quốc gia tổ chức như
vậy.
Thêm nữa, việc hoán chuyển trẻ con ngay khi chúng vừa mới sanh ra từ
giai cấp nông dân hay nghệ nhân sang giai cấp cai trị, và từ giai cấp cai trị
sang giai cấp bị trị sẽ rất khó thực hiện. Những người có trách nhiệm di
chuyển những đứa bé không thể nào không biết là đứa bé nào được giao
cho ai. Và như thế, những tội ác đã nói trước đây, như bạo hành, sát nhân,
tình yêu phản tự nhiên sẽ xảy ra thường xuyên hơn giữa những kẻ bị đưa
xuống giai cấp thấp hơn, hoặc là những kẻ được nâng lên giai cấp cai trị, vì
họ không còn coi những người cùng giai cấp trước đây là anh em, cha mẹ
nữa, và chẳng còn sợ gì mà không phạm tội vì đâu còn liên hệ huyết thống
nữa. Tới đây tưởng đã quá đủ để bàn về cộng đồng có chung vợ, chung
con.