đổi được. Chính trị, cũng giống như khoa học, chẳng ai có thể viết xuống
một cách chính xác mọi điều. Pháp lệnh phải mang tính tổng quát, nhưng
hành động thì lại phải cụ thể. Do đó, ta suy ra rằng đôi khi và trong một số
trường hợp chắc chắn, luật pháp có thể được sửa đổi; nhưng nếu ta nhìn
vấn đề dưới góc cạnh khác, thì ta cần phải thận trọng. Vì thói quen thay đổi
luật lệ dễ dàng là một điều xấu, và khi mà những lợi ích do sự thay đổi này
đem lại tương đối nhỏ, thì một số những khuyết điểm của nhà cầm quyền
hay nhà lập pháp nên được để yên. Lý do là vì những lợi ích mà người dân
có được qua sửa đổi nho nhỏ như vậy không sánh được với những mất mát
sẽ xảy ra vì người dân lúc đó đã có thói quen bất phục tùng. Thật là sai lầm
khi so sánh sự thay đổi trong nghệ thuật với sự thay đổi trong luật pháp; sự
thay đổi trong luật pháp khác xa với thay đổi trong nghệ thuật. Luật pháp
không có quyền lực nào để bắt buộc người dân phục tùng ngoại trừ quyền
lực của tập quán, vốn dĩ đòi hỏi thời gian, cho nên giai đoạn chuyển tiếp từ
luật cũ sang luật mới làm suy yếu quyền lực của luật pháp. Ngay cả khi ta
đồng ý rằng cần phải sửa đổi luật pháp, có phải tất cả mọi đạo luật, trong
mọi cơ cấu chính trị đều phải được thay đổi hay chăng? Và có phải là hễ ai
thích thì cũng thay đổi được luật hay chỉ có một số người nào đó [có quyền
thay đổi] thôi? Đây là những câu hỏi quan trọng, cho nên ta dành phần thảo
luận này vào dịp khác thích hợp hơn.